Bò H'Mông (hay còn gọi là bò Mèo) là giống bò quý thuộc dòng Boss indicus, giống bò duy nhất Nhà nước liệt kê vào danh mục cấm xuất khẩu theo quyết định số 58/2001/QĐ/BNN-KNKL, ngày 23 tháng 5 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Ở một số tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang giống bò này được nuôi nhiều tại các hộ gia đình người H'Mông ở các huyện vùng núi có độ cao khoảng 1000 m so với mặt nước biển. Bò H’Mông có khả năng chịu đựng kham khổ và điều kiện khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt của vùng núi đá, địa hình hiểm trở, độ dốc cao, thiếu thức ăn, khan hiếm nước. Bò H'Mông thích ứng tốt với điều tự nhiên các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và là một trong số các nguồn gen vật nuôi quý hiếm đã được Việt Nam đưa vào danh mục bảo tồn, phát triển.
Tuy nhiên, việc phát triển giống bò H'Mông tại các địa phương hiện nay còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ với thói quen chăn nuôi thả rông, tự do giao phối. Cùng với sự cận huyết kéo dài do không luân chuyển đực giống và nhu cầu thị trường (những bò to thường được mang đi bán hoặc đem giết thịt, đồng thời giữ lại bò bé) dẫn đến tầm vóc, khối lượng bò bị giảm dần, chất lượng giống bò H’Mông ngày càng suy giảm.
Một thực tế khác, cùng với sự phát triển của đất nước, sự giao lưu kinh tế xã hội phát triển rộng khắp ở mọi vùng miền, nhiều giống bò mới đã được nhập, được lai tạo với các giống của địa phương làm nguồn gen bò H'Mông có xu hướng ngày càng bị lai tạp. Về công tác quản lý, cho đến nay việc hình thành một hệ thống chọn lọc, quản lý giao phối và nhân giống nhằm gìn giữ những đặc tính ưu việt của giống bò H'Mông vẫn còn nhiếu hạn chế và bất cập. Việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhằm khai thác và phát triển nguồn gen giống bò này một cách hợp lý đang là nội dung hết sức cần thiết.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2016, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Nông - Lâm do PGS.TS. Trần Huê Viên làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: "Khai thác và phát triển nguồn gen giống bò H'Mông". Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu lâu dài: Khai thác và phát triển giống bò H’Mông tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam có hiệu quả và bền vững, với các mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng được tiêu chuẩn giống và quy trình chọn lọc, nhân thuần giống bò H’Mông.
- Xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh cho giống bò H’Mông.
- Xây dựng được 2 mô hình chăn nuôi bò giống, 3-5 mô hình chăn nuôi bò thịt giống bò H’Mông và 2-3 mô hình trồng cỏ có năng suất cao. Sau 4 năm triển khai thực hiện, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã hoàn thành điều tra bổ sung đánh giá hiện trạng sản xuất và khai thác nguồn gen giống bò H'Mông tại 3 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Cao Bằng.
- Đã xác định được một số đặc điểm ngoại hình thể chất, sinh trƣởng và sinh sản của giống bò H'Mông; xây dựng được tiêu chuẩn giống bò H’Mông và quy trình chọn lọc, nhân thuần giống bò H'Mông.
- Đã xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh cho bò H'Mông; xác định được 5 giống cỏ: VA06, Mulato 2, Stylo, Ghine và cỏ Guatemala là các giống cỏ có khả năng sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất tốt, phù hợp với địa bàn vùng cao.
- Đã xây dựng 3 mô hình bò H’Mông hạt nhân tại 3 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Cao Bằng.
Kết quả nghiên cứu cung cấp các số liệu làm căn cứ khoa học để xây dựng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi đối với giống bò H'Mông tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, đề tài còn cung cấp các thông tin khoa học làm cơ sở giúp các cơ quan chuyên môn và các cơ quan quản lý xây dựng các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển nguồn gen giống bò H'Mông.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12767/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia