Khánh Hòa: Ứng dụng công nghệ plasma trong nuôi trồng - chế biến - bảo quản nông - thủy sản”
24/09/2018
108 Lượt xem
Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Khánh Hòa đã phối hợp với PGS.TS Trần Ngọc Đảm - Phòng Nghiên cứu năng lượng và Môi trường CES Plasma, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền kết quả tiến bộ KH&CN “Ứng dụng công nghệ plasma trong Nuôi trồng - Chế biến - Bảo quản Nông - Thủy sản” đến với mọi người tại thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và huyện Khánh Vĩnh.
Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất trong đó các phân tử khí bị ion hóa thành electron và ion tự do bằng việc nhận năng lượng bức xạ điện hoặc nhiệt. Theo PGS.TS Đảm, sử dụng công nghệ plasma sẽ xử lý triệt để và hiệu quả các thành phần ô nhiễm trong nước. Vì thông qua quá trình xử lý plasma, các thành phần khó phân hủy trong nước thải được chuyển về dạng đơn chất. Quá trình này giúp thu gom chất thải trong nước bằng quá trình keo tụ, tạo bong lắng diễn ra đơn giản, thời gian thu gom được rút ngắn. Đối với các công nghệ xử lý nước thải truyền thống như bằng hóa chất, vi sinh, màng lọc RO,… không đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất còn gây ra các vấn đề về môi trường như có thể tạo ra hợp chất độc hại như halogen, NOx, HNO3,…
Thiết bị không dùng hóa chất, sử dụng đơn giản, tự động hoàn toàn nên không cần đến nhân công vận hành. Chi phí đầu tư ban đầu của hệ thống có thể cao hơn từ 30 - 40% so với các công nghệ truyền thống khác. Tuy nhiên, đối với các công nghệ truyền thống, chi phí xử lý khoảng 500 đồng/lít nước thải, thì với công nghệ Plasma chỉ khoảng 33 đồng/lít nước thải. Vì vây, nếu tính bài toán tổng thể về hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, tiết kiệm được đến 30% so với mô hình truyền thống.
Lớp tập huấn mang lại những thông tin bổ ích giúp cho các học viên biết thêm về một công nghệ mới có thể áp dụng vào trong công việc của mình. Theo Sở KH&CN Khánh Hòa