Ứng dụng khoa học công nghệ đang trở thành giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đối với ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch…, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến nông sản. Ảnh: baoquangninh.vn
Xác định tầm quan trọng của khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đẩy mạnh hoạt động kết nối, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp. Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo đổi mới công nghệ, sáng tạo khởi nghiệp; trưng bày các thiết bị, công nghệ mới, các mô hình ứng dụng để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động chuyển giao, tiếp thu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Điển hình là Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hoạt động tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông sản, thủy sản cho 150 đại biểu là các doanh nghiệp, hợp tác xã của địa phương gặp gỡ, trao đổi, tiếp cận với các công nghệ mới ngành nông sản - thủy sản, từ đó mở rộng thị trường, tăng giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế.
Các công nghệ giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp - thủy sản được giới thiệu kết nối cung - cầu gồm: Công nghệ nuôi cấy hoa cây cảnh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả); ứng dụng công nghệ ánh sáng và điều khiển loT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ngư nghiệp và nông thôn mới của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; giải pháp chuyển đổi số trang trại chăn nuôi FarmGo của Công ty TNHH Công nghệ Hipotech; giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Công ty STI Việt Nam; công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy hải sản của Viện Nghiên cứu Hải sản; thức ăn chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững của Công ty Stella Graden…
Kết quả đã kết nối thành công cung - cầu công nghệ như: Công ty Harumidori Việt Nam kết nối tìm nguồn nguyên liệu nông sản tại địa phương; Công ty Chế biến thủy sản Hạ Long kết nối tìm mua nguồn nguyên liệu hải sản như tôm, cua, cá, ốc; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tìm nhà xưởng, trang trại và đầm nuôi hải sản.
Nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp năm 2024 thuộc Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ khoa học và công nghệ đã phối hợp tổ chức thành công hoạt động kết nối đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực chế biến - bảo quản.
Với hoạt động này, các doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp như: Công ty TNHH Công nghệ LC Việt Nam với sản phẩm “Máy đọc chỉ số thông minh - giải pháp IoT phát hiện lãng phí sử dụng điện nước”; Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm BMDSOFT với giải pháp “Quản trị doanh nghiệp toàn diện - BMD ERP”; Công ty Cổ phần Công nghệ vi sinh nông nghiệp Nami với giải pháp “Xử lý môi trường cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, chế biến thực phẩm”; Công ty Cổ phần Galaxy Biotech với giải pháp “Bao bì phân hủy sinh học và bảo quản thực phẩm - giải pháp thân thiện với môi trường”.
Những giải pháp trên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác, phát triển thị trường với các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam… tiếp tục nuôi dưỡng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Tại Quảng Ninh, bông trà được Công ty Đạp Thanh sấy thăng hoa tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, công nghệ sấy nông sản hiện đại nhất hiện nay, khiến cho chất lượng, thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ càng được khẳng định. Ông Ninh Văn Trắng - Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết, với công nghệ sấy thăng hoa, bông trà khô trông không khác bông trà còn tươi nguyên trên cây lá, trong khi đó giữ được 97% về màu sắc, hình dáng và giữ được 99% về tinh chất tự nhiên, hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm của sấy thủ công trước đây là bông hoa bị gãy vụn, đổi màu, dễ mốc…
Cùng sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để nâng cao chất lượng nông sản còn có Công ty TNHH Phương Thuỳ có trụ sở ở phường Bắc Sơn, TP Uông Bí. Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc Công ty TNHH Phương Thuỳ cho biết, những bước đi trong lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của Phương Thùy là nhận chuyển giao công nghệ phôi nấm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để về ương dưỡng thay vì tự mình nuôi cấy phôi nấm; sử dụng công nghệ nhà lạnh để trồng, chăm sóc cây nấm, qua đó làm chủ được các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và mầm bệnh. Hiện nay, đơn vị sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để cây nấm sau sấy vẫn tươi ngon, giàu tinh chất nhất. Nhờ khoa học công nghệ, hiện Phương Thuỳ có gần 20 loại sản phẩm đông trùng hạ thảo tinh chế, được thị trường chấp nhận, tiêu dùng với số lượng lớn, giúp doanh nghiệp phát triển.
Trên địa bàn Quảng Ninh, nghề làm nước mắm truyền thống đã phát triển từ nhiều năm qua nhờ vào lợi thế nguồn thuỷ hải sản khai thác dồi dào. Tiếp tục đầu tư sâu cho nước mắm truyền thống, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dáng Phương tại phường Trà Cổ, TP Móng Cái là đơn vị tiên phong chuyển đổi từ công nghệ ủ chượp trong chum và để ở ngoài trời, sang công nghệ ủ chượp trong thùng sồi và để trong nhà...
Tại Thái Nguyên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.
Theo đó, ngành đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi theo lợi thế từng địa phương; tăng tỷ lệ sử dụng giống mới, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh, VietGAP; đẩy mạnh cơ khí hoá, tự động hoá trong sản xuất, chế biến.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.203ha cây trồng với các loại cây lúa, cây ăn quả, chè, rau và 150 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP; 85ha gồm chè, nấm ăn, dược liệu được cấp chứng nhận hữu cơ.
Nguồn: vietq.vn