Bản thân là giảng viên của một trường đại học trên địa bàn nhưng tình yêu nông nghiệp luôn thôi thúc Nguyễn Tuấn Khôi - Giảng viên trường Đại học Nông lâm Bắc Giang phải làm điều gì đó để thỏa mãn đam mê.
Cùng với tuổi trẻ là sự nhạy bén, anh đã bắt đầu với mô hình nông nghiệp thông minh. Từ đó, “Hệ thống nông nghiệp thông minh trong sản xuất măng tây tại Bắc Giang” được ra đời. Năm 2015, hành trình lên xã Quế Nham, Tân Yên thuê đất trồng măng tây xanh với hệ thống nông nghiệp thông minh được bắt đầu. Từ 1 mẫu ban đầu, đến nay do nhu cầu của thị trường anh đã mở rộng diện tích lên 7ha.
Ảnh: Mô hình trồng măng tây của Nguyễn Tuấn Khôi tại Quế Nham, Tân Yên
Ảnh: Nguyễn Tuấn Khôi (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra mô hình
Với ý tưởng ban đầu là xây dựng được 1 hệ thống sản xuất măng tây và một số loại rau trong đó, có áp dụng các công nghệ nông nghiệp hiện đại như: Hệ thống tưới thông minh, hệ thống phân tích dữ liệu (PH, EC, NO3-…) qua các thiết bị cảm biến, hệ thống cơ sở dữ liệu điện toán đám mây về cây trồng, trí tuệ nhân tạo, hệ thống quét QR Code… Khi áp dụng được như vậy thì hệ thống sản xuất rau sẽ trở thành hệ thống nông nghiệp chính xác, nghĩa là hệ thống sẽ cung cấp phân bón, nước, thuốc BVTV vào đúng vị trí và vào đúng thời điểm để tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng. Mạng cảm biến không dây được xây dựng nhằm phục vụ yêu cầu của nông nghiệp chính xác. Thông qua mạng cảm biến không dây, hệ thống có thể thu thập được các thông số đến quy trình sản xuất nông nghiệp như độ ẩm đất, độ ẩm không khí, pH. Các thông tin này được thu thập, lưu trữ và truyền tải không dây đến trạm quản lý để phân tích và xử lý, qua đó, người sử dụng có thể điều khiển và đưa ra các quyết định phù hợp nhằm tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng cây trồng.
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại măng tây, tuy nhiên, Khôi đã lựa chọn giống măng tây tím để trồng, bởi theo các nghiên cứu khoa học, măng tây tím có hàm lượng hoạt chất chống ôxy hóa mạnh, và chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, giúp tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật. Măng tây tím gần như là rất ít chất xơ cứng so với măng tây xanh và trắng, nên gần như có thể ăn từ ngọn đến gốc.
Hiện nay, toàn bộ số măng thu được đã được hệ thống siêu thị ký kết bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, Khôi cũng mất thời gian trong gần 2 năm đầu để xây dựng cơ sở vật chất cơ bản, hệ thống tưới bán tự động, hệ thống bơm phân thông minh, hệ thống kiểm tra các chỉ tiêu an toàn của rau, cung cấp thử nghiệm các sản phẩm rau sạch theo mùa. Đến nay, dự án nông nghiệp thông minh dần được hoàn thiện, các sản phẩm đưa ra thị trường chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Mô hình nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp chính xác bước đầu mang lại thành công cho Nguyễn Tuấn Khôi và hy vọng rằng, những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp như thế sẽ được lan tỏa đến với nhiều bạn trẻ trong tỉnh, để đến năm 2019, Bắc Giang sẽ có thêm nhiều mô hình nông nghiệp 4.0./.