Kỹ sư điện làm bồn cầu tự động tiết kiệm hơn 80% nước
13/03/2023
49 Lượt xem
Dựa vào nguyên lý hệ trực tràng của người, ông Nguyễn Văn Nam (quận 7) nghiên cứu bồn cầu tự động, tiết kiệm 84% nước so với bồn cầu truyền thống.
Ông Nam, 60 tuổi, từng tốt nghiệp kỹ sư điện tàu thủy tại Đại học Hàng hải Việt Nam. Gần 25 làm trong doanh nghiệp nhà nước về vận tải biển, ông mày mò thiết kế mạch điện tử cho hệ thống bồn theo cơ chế có thể tiết kiệm nước.
Ông giải thích, bồn cầu thiết kế dựa trên nguyên lý hoạt động của hệ trực tràng con người, có một số bộ phận hoạt động như van đóng mở và các khối cơ co bóp để đẩy chất thải ra ngoài. Khi chất thải đẩy ra môi trường bên ngoài (môi trường nước) không có cơ hội xâm nhập cơ thể. "Cơ cấu hoạt động của bồn cầu cũng được thiết kế tương tự để vừa không tốn nước vừa đảm bảo ngăn mùi, hợp vệ sinh", ông nói.
Từ năm 2014, ông Nam và con trai Nguyễn Nhật Quang (26 tuổi) bắt đầu thiết kế bồn cầu tiết kiệm nước. Ông loại bỏ két nước của sản phẩm truyền thống. Hệ ống xả hình chữ S phía dưới bồn cầu truyền thống được thay thế bằng ống thẳng mềm, dạng ống ruột gà, có tính đàn hồi. Dọc đường ống được bố trí các kẹp đóng mở liên tục ở các vị trí khác nhau hoạt động với cơ chế tương tự trực tràng người.
Phía sau bồn ông thiết kế hệ điều khiển bằng điện. Bảng điều khiển có chức năng xả nước theo ba mức chạm tay, không chạm hoặc tự động. Các thiết bị điện được bố trí cách nước, an toàn cho người sử dụng. "Bồn cầu có thể chống chịu ngập nước vài ngày, điều mà các bồn cầu truyền thống không làm được khi bị trào ngược gây mùi hôi do ngâm nước. Vì vậy phù hợp cho các vùng lũ", ông Nam nói.
Theo cơ chế này bồn cầu không có két nước. Khi vệ sinh xong, người dùng nhấn nút xả trong 6 - 8 giây, nước sẽ bơm lên từ dây dẫn ống nước sinh hoạt vào miệng bồn cầu và thu gom hỗn hợp chất thải xuống tầng 2 của ống thẳng mềm. Giai đoạn tiếp theo, hệ thống vệ sinh bát bồn cầu, hòa tan hỗn hợp nước, chất thải rồi xả xuống hầm cầu và tiếp tục vệ sinh bát bồn cầu bằng nước sạch. Nước được cấp liên tục trong suốt quá trình xả thải.
Theo ông Nam, với việc loại bỏ két chứa và cơ chế xả tốn rất ít nước khiến người dân tiết kiệm chi phí nước, nhà cung cấp tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển giúp tăng lợi nhuận.
Thiết kế không có két nước giúp bồn cầu tiết kiệm diện tích, giảm chi phí vật liệu. Ảnh: Hà An
Theo tính toán, với một hộ gia đình 5 người trong một năm tốn 86 m3 nước cho việc dội bồn cầu. Tuy nhiên khi sử dụng bồn cầu này, hộ gia đình chỉ mất khoảng 14 m3 nước cho một năm sử dụng, tiết kiệm được 72 m3 nước.
Ông Nam cho biết, sản phẩm có thể thay mới ở những nơi có bồn cầu truyền thống mà không làm thay đổi kết cấu xây dựng, không ảnh hưởng nhiều đến đường nước có sẵn. Sản phẩm còn tăng không gian trong nhà vệ sinh vì loại bỏ được két nước. Ngoài sử dụng trong nhà, tác giả sáng chế cho rằng, bồn cầu cũng có thể lắp đặt ở các phương tiện giao thông như tàu, xe... nơi không thể lắp bồn cầu truyền thống vì đường ống hình chữ S khi gặp rung lắc sẽ phát sinh mùi hôi. Ngoài ra, sản phẩm có thể lắp ở các khu vực vệ sinh công cộng. Vì tính tiết kiệm nước nên có thể phục vụ nhiều người hơn và thời gian vệ sinh chất thải từ bồn chứa kéo dài hơn.
Sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế tháng 2/2022. Tác giả đã nộp đơn về sáng chế đến cơ quan sở hữu trí tuệ tại Mỹ và Liên minh châu Âu xin bảo hộ và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung. Giá sản phẩm dự kiến khoảng 2 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam đánh giá cao sản phẩm về giá trị kinh tế và tiết kiệm nguồn nước sạch. Tuy nhiên, ông cho rằng với sản phầm bồn cầu các thiết kế, vật liệu... cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ quan chức năng. Với những thành phần mới như hệ thống điện cần có những bộ tiêu chí đánh giá tính an toàn của cơ quan chuyên môn trước khi đưa vào sử dụng. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ tác giả những việc này và kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm để hợp tác tiến tới thương mại hóa", ông Quyền nói.