Kỹ sư người Việt chế tạo tai nghe phát hiện bệnh động kinh
04/05/2022
77 Lượt xem
Hugo Đinh (29 tuổi) cùng cộng sự chế tạo thành công tai nghe giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân động kinh từ xa.
Hugo Đinh, nhà đồng sáng lập NaoX Technologies (Pháp) cùng cộng sự phát triển thành công công nghệ lõi, bổ sung điện não đồ giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân động kinh từ xa, không cần đến bệnh viện.
Giải thích về công nghệ, Hugo Dinh cho biết, khi cơn động kinh xuất hiện, một cú sốc điện lớn lan toả trên màng não và có thể được đo bằng điện não đồ. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng điện não đồ với ít nhất 8 điểm đo tìm xem tâm điểm của "tai nạn" ở đâu để tìm cách chữa. Tuy nhiên cơn động kinh của bệnh nhân có thể xảy ra rất thường xuyên, bất cứ lúc nào và tần suất mỗi người khác nhau nên rất khó được chẩn đoán.
Thoạt nhìn, chiếc tai nghe trông có vẻ bình thường nhưng thực tế chúng được tích hợp cảm biến điện não đồ (EEG). Ngoài đầu mút silicon đóng vai trò chất dẫn, thiết bị có "hộp đen" rất nhỏ chứa hệ thống thu thập dữ liệu điện não đồ; phần mềm xử lý tín hiệu và nhận dạng nhịp sinh học.
Tai nghe EEG của NaoX Technologies được sử dụng như thiết bị tai nghe thông thường. Ảnh: NVCC
Giải pháp NaoX Technologies đưa ra là ứng dụng cảm biến nhận dạng nhịp sinh học theo thời gian thực và gửi thông tin đến bác sĩ điều trị. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các bác sĩ phân tích dữ liệu này để chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. Công nghệ đột phá ở chỗ đo sóng não với độ chuẩn xác cao, chất lượng đủ tốt giúp chẩn đoán chính xác các cơn động kinh. Đặc biệt công nghệ này ít điểm đo hơn nhưng có thể sử dụng mà không cần đến bệnh viện. "Mục đích nhằm giúp theo dõi bệnh nhân từ xa, giảm tải lên hệ thống bệnh viện, đồng thời giúp bác sĩ có nhiều thông tin về hiện trạng bệnh nhân", Hugo chia sẻ.
Hiện trên thế giới đã phát triển các dự án điện não đồ như mũ, bờm, mặt nạ, thậm chí là miếng dán điện não đồ. Tuy nhiên các sản phẩm thường rất cồng kềnh, gây khó chịu khi sử dụng và "xấu" về mẫu mã nên người bệnh không muốn đeo trên người. Ngoài ra tín hiệu từ các thiết bị kém chất lượng nên bác sĩ cũng không sử dụng được. "Cảm ứng của các thiết bị này thường bị chạm vào tóc khiến cho thông sóng não đo được bị loạn", Hugo giải thích.
Kể lại nguồn gốc của ý tưởng phát triển thiết bị, Hugo cho biết, đó là khi chứng kiến những năm tháng cuối đời của bà nội mắc bệnh Alzheimer. Bà quên hết người thân, quên cả những phản xạ tự nhiên như nuốt nước bọt, thức ăn - điều này khiến anh trăn trở. "Khi là người nhà bệnh nhân bạn mới thực sự hiểu các bệnh chứng về não tàn phá con người như thế nào", anh nói.
Năm 2014, Hugo Dinh gặp được GS Michel Le Van Quyen, Giám đốc Viện nghiên cứu về dịch bệnh quốc gia Pháp (Inserm), một chuyên gia về điện não đồ nổi tiếng thế giới với các thuật toán dự đoán cơn động kinh. Anh đem câu chuyện của bản thân kể cho GS Michel, ông bày tỏ hy vọng có công nghệ cảm ứng mới về não có thể thu thập một khối lượng khổng lồ thông tin về người bệnh, nhất là thông tin đời thường. Trong đó, AI sẽ là thứ có thể nắm bắt được các thay đổi, dù là nhỏ nhất, để đưa ra chẩn đoán. "Chúng ta phải tạo ra công nghệ đó thôi", Hugo nói với thầy.
Năm 2015, Hugo đến viện nghiên cứu và trở thành cộng sự. Ban đầu hai thầy trò gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu nhỏ thiết bị điện não đồ rồi "gắp" thiết bị vào các vật dụng như kính, mũ, bờm. Mày mò suốt hai năm, khi mua cặp tai nghe Apple Airpods thế hệ đầu tiên, Hugo nhận ra sản phẩm này rất thích hợp để biến thành thiết bị điện não đồ di động.
Thực tế, đo điện não đồ trong tai người được phát hiện từ những năm 1970. Rất nhiều phòng thí nghiệm nổi tiếng ở Anh, Đan Mạch, thậm chí các tập đoàn khổng lồ như Google, Bose, Samsung từng thử sức, song chưa có nghiên cứu ra công nghệ đủ tốt, rẻ và dễ sản xuất. "Điều khó nằm ở chỗ làm cách nào thu nhỏ được hệ thống cảm ứng đủ nhỏ gọn đến mức ghép được vào tai nghe", anh nói.
Tháng 7/2018, họ chính thức thành lập NaoX Technologies. Nao-X chính là "não" trong tiếng Việt. "Khi đặt tên công ty, hai thầy trò muốn cái tên gợi nhớ đến nguồn gốc Việt Nam của mình, đấy cũng là cách để Hugo tưởng nhớ bà mình", CEO Việt kiều chia sẻ. Đến nay, NaoX là công ty đầu tiên ở Pháp phát triển được công nghệ này, hiện có 5 bằng sáng chế ở châu Âu và 10 bằng sáng chế đang được kiểm duyệt.
Hồi đầu năm nay, Hugo Dinh lên thuyết trình trên truyền hình Pháp về đề tài và công ty gọi vốn được 4,3 triệu euro (khoảng 5 triệu USD). Trên tờ báo Pháp Les Echos, Jacques Attali - cố vấn đặc biệt của cựu Tổng Thống Pháp Francois Mitterand, đồng thời là nhà đầu tư đầu tiên của NaoX, chia sẻ, ông thích sự sáng tạo đổi mới của ý tưởng này. "Chúng có thể trở nên hữu ích và nhìn ở khía cạnh đạo đức của những gì công nghệ này hứa hẹn, bởi vì chứng động kinh là một vấn đề sức khỏe cộng đồng", Jacques Attali cho biết.
CEO Việt kiều Hugo Dinh. Ảnh: NVCC.
Hugo Dinh không kể nhiều về bản thân. 15 tuổi sang Pháp rồi anh thi đỗ vào trường Bách khoa Paris (Polytechnique) năm 2014 - ngôi trường mỗi năm chỉ nhận 500 học sinh theo hệ kỹ sư trên toàn thế giới. Từ một kỹ sư trẻ, anh trở thành nhà quản lý, nhà tuyển dụng, làm đủ việc từ thợ hàn, người đưa thư, lái taxi đưa đón các cộng sự đến phòng thí nghiệm rồi đi xin tiền trợ cấp... tất cả chỉ để phát triển dự án. Với công nghệ chế tạo tai nghe phát hiện động kinh, khi phát triển thành công công nghệ lõi (năm 2021), thử nghiệm thành công trên bệnh nhân mới bắt đầu có nhà đầu tư quan tâm. "Lương thấp cũng được, khổ cũng được, nhưng mình đem được nghiên cứu ứng dụng thực tiễn với hy vọng có thể cứu sống được người bệnh. Như thế là đủ rồi", Hugo bộc bạch.
Sắp tới, NaoX sẽ có cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào cuối năm 2022, để so sánh với phương pháp điện não đồ truyền thống. Nếu kết quả thuyết phục, thiết bị sẽ đủ điều kiện cấp phép đưa ra thị trường, dự kiến vào cuối năm 2023 tại châu Âu và Mỹ.
Với thành công này, Hugo Dinh được Forbes phiên bản Pháp chọn là 1 trong số 30 gương mặt có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022. Anh viết trên linkedin: "Thật thú vị khi thấy mình được xướng tên cạnh Lily Rose Depp".