Giống mướp do Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát lai tạo phù hợp với TPHCM và khu vực Tây Nam Bộ, cho năng suất 41-45 tấn/ha - vượt trội so với các giống hiện có.
Mướp hương là cây trồng phổ biến, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Tại Việt Nam, mướp hương được trồng khắp trên cả nước. Trong đó, Tây Nam Bộ là vùng có khí hậu thuận lợi, thuận lợi cho sự phát triển của mướp hương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số vùng chuyên canh rau màu ở vùng Đông, Tây Nam Bộ.
Hiện nay, các giống mướp địa phương được người dân thu hái, cất giữ theo kinh nghiệm, thường bị thoái hóa và lẫn tạp dẫn đến năng suất và giá trị thương phẩm thấp. Vì vậy, đa phần người dân sử dụng hạt giống F1, chủ yếu là nhập khẩu. Các giống lai F1 nhập khẩu tuy có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các giống truyền thống về năng suất, chất lượng, độ đồng đều cao, nhưng giá thành cũng cao hơn các giống F1 trong nước.
Trong khi đó, hiện có rất ít các đề tài nghiên cứu về cây mướp hương ở nước ta. Trước nhu cầu ngày càng tăng về giống cây mướp hương, Công ty TNHH Hạt Giống Tân Lộc Phát đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống mướp hương lai F1 cho thị trường TPHCM và Tây Nam Bộ".
Trổng thử nghiệm mướp hương lai tại Long An. Ảnh: NNC
Qua khảo sát tình hình canh tác mướp hương, thị hiếu thị trường ở TPHCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhóm tác giả thực hiện đề tài nhận thấy, dù mướp hương có thể trồng quanh năm và điều kiện khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển, nhưng diện tích trồng mướp hương ở các địa phương tương đối nhỏ (dưới 3.300 m2/hộ), riêng ở TPHCM thì chỉ khoảng 1.300 m2/hộ. Hiện nay, ở vùng Tây Nam Bộ đang thịnh hành giống mướp hương Taka L07 Taka L07 (của Công ty TNHH Takaku), nhưng giống này thưa trái và dễ bị bệnh. Bên cạnh đó, các giống mướp hương địa phương khác cho cây khỏe, trái xanh nhưng dạng trái không đồng đều. Ngoài ra, do người dân sản xuất theo phương thức truyền thống nên giống thường bị thoái hóa và lẫn tạp, ảnh hưởng đến năng suất và giá trị thương phẩm.
Kỹ sư Vũ Quốc Trưởng, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, nhóm đã đánh giá nguồn nguyên liệu 50 dòng mướp hương đời S6 (các thế hệ thu được do sự tự thụ phấn nhân tạo qua một số thế hệ ở các dạng cây giao phấn). Các dòng này được trồng để theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu về hình thái và cấu trúc cây, khả năng sinh trưởng, ra hoa, chất lượng quả,… và so sánh với giống đối chứng Taka L07. Qua quá trình thử nghiệm, nhóm loại bỏ các dòng không phù hợp, chọn được 10 dòng mướp hương và tạo ra được 45 tổ hợp lai mướp hương mới.
45 tổ hợp lai mướp hương này được trồng thử nghiệm và tiếp tục chọn ra được 2 giống tổ hợp lai L5xL44 và L15xL44 để trồng thử nghiệm và trình diễn hội thảo đầu bờ ở TPHCM và các tỉnh Vĩnh Long, Long An và Tiền Giang.
Kết quả, giống tổ hợp lai L15xL44 là giống thích hợp nhất cho thị trường TPHCM và Tây Nam Bộ do có nhiều ưu điểm vượt trội về sinh trưởng, khả năng chống chịu bệnh mốc sương tốt, thu hoạch quả khá sớm (53- 54 ngày). Dạng quả thon thẳng khá đẹp với màu sắc xanh đậm có kèm sọc đậm, ít gai, chiều dài 34,0-35,8 cm, đường kính 4,0-4,3 cm và khối lượng 245,5-249,4 gam/quả. Ngoài giá trị thương phẩm về hình dạng và màu sắc thì giống còn ăn ngon với độ ngọt đạt 7,9 độ brix và có mùi thơm trước và cả sau khi nấu chín. Đặc biệt, năng suất của giống rất cao và vượt trội so với các giống còn lại, đạt 41-45 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng Taka L07 từ 10,7-14,8%, tỷ lệ thương phẩm đạt 97,2-98,8%. Ngoài ra, giống có tính ổn định khá cao, mặc dù trồng trình diễn ở các địa điểm khác nhau nhưng đều cho kết quả tốt.
Giống mướp hương tổ hợp lai L15xL44 đã được đăng ký bảo hộ giống (với tên hạt giống là mướp hương lai F1-SLP912) phục vụ thương mại hóa.