Lần đầu tiên dùng nấm men thu hồi chitin từ vỏ tôm
12/05/2023
48 Lượt xem
Ngoài các giải pháp sinh học để thu hồi chitin từ vỏ tôm như sử dụng vi khuẩn acid lactic, Bacillus spp., Aspergillus niger, các nhà khoa học đã tìm ra một giải pháp mới là dùng nấm men lên men để tách chiết chitin từ đầu tôm.
Chitin là tiền chất của chitosan, một chất có nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và y sinh như xử lý hạt giống, thuốc trừ dịch hại sinh học, sơn tự liền vết trầy xước polyurethane, băng gạc y tế, truyền tải thuốc qua da… Các nhà nghiên cứu ĐH Công nghệ TPHCM, ĐHQG TPHCN, ĐH Nha Trang đã tìm hiểu khả năng lên men của nấm men trong chuyển đổi phụ phẩm vỏ tôm từ quá trình chế biến tôm xuất khẩu. Họ sử dụng đầu tôm thẻ chân trắng để nuôi cấy ba chủng nấm men là Yarrowia lipolytica, Candida tropicalis và Pichia kudriavzevii và so sánh nói với vi khuẩn Bacillus subtilis và enzyme thủy phân đã được thương mại là Alcalase. Qua hai ngày nuôi cấy, có thể thấy chủng Yarrowia lipolytica cao hơn đáng kể (80,9%) so với Alcalase hydrolysis (76,9%) và B. subtilis (65,6%) về mức giải phóng protein và khử khoáng; đồng thời hai chỉ số này ở cả ba chủng này đều cao hơn các vi khuẩn đã được sử dụng trước đây. Nghiên cứu ban đầu cho thấy có những ứng dụng tiềm năng của việc lên men nấm men để thu hồi chitin từ vỏ tôm.
Kết quả được trình bày trong công bố “Investigation of chitin recovery from shrimp waste by yeast fermentation” xuất bản trên IOP Conference Series: Earth and Environmental Science.