Lan đột biến có thể tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ
02/04/2021
79 Lượt xem
Theo chuyên gia, trong tự nhiên xác suất một triệu cây lan, có một cây đột biến, tuy nhiên con người có thể tạo ra bằng chiếu xạ hoặc chất siêu đột biến.\
Từng chứng kiến một số vụ tranh chấp lan đột biến giả, GS Trần Duy Quý (74 tuổi), chuyên gia di truyền nông nghiệp, Chủ tịch Hội hoa lan Hà Nội cho biết: "Có những cây bị thổi giá, không đúng giá trị thực".
Có hơn 50 năm nghiên cứu đột biến về cây lúa và 30 năm về cây lan, GS Quý hiện sưu tầm hơn 40 loài đột biến như lan ngọc nữ Tây Nguyên, lan bạch tuyết, lan hồng yên thủy, năm cánh trắng Phú Thọ...
Trước "cơn sốt" lan đột biến diễn ra trong 3 năm nay, nhộn nhịp nhất là từ năm 2020, ông cho rằng đó là "tùy vào nhu cầu và thẩm mỹ của người chơi, có cây lan trị giá tới tiền tỷ cho một chiếc lá, một đốt cây như lan Ngọc sơn cước, năm cánh trắng juliet, Đại cát".
GS Quý bên dòng lan đột biến lai giữa bố và mẹ đột biến do ông tạo ra. Ảnh: NX.
Gọi là lan đột biến vì cấu trúc gene bị thay đổi, dẫn đến hình thái thân, lá, hoa khác biệt so với những cá thể trong quần thể ban đầu. Trong tự nhiên (xác suất một triệu cây có một cây đột biến). Tuy nhiên về mặt khoa học, con người có thể dùng nhiều phương pháp để tạo ra lan đột biến. Một là dùng tác nhân vật lý (chiếu xạ) để xử lý chồi, mầm, hai là sử dụng phương pháp hóa học (chất siêu đột biến) tác động trực tiếp đến phân tử ADN có trong hệ gene.
Ông Quý cho biết, để phân biệt lan đột biến bằng mắt thường cần lưu ý ở phần cánh, bẹ lá và thân cây. Đối với dòng hoa năm cánh trắng hoặc hồng, hai cánh vai ngang nhau, không "xếch lên", bẹ lá ôm lấy thân. Thân cây hoa năm cánh trắng xanh sạch, cánh trắng pha hồng, thân thường màu tím. Khi nhân giống bằng kie (cây con đủ thân lá và rễ), những lần nhân sau, hoa ra giống 100% với cây mẹ đột biến, đó là cây thật. Nhưng "đặc điểm nhận diện bằng mắt thường có thể dễ làm giả khi công nghệ phát triển. Muốn biết lan có đột biến hay không, ngoài việc nhìn cây và hoa, nên làm phân tích mã vạch gene, được chứng nhận từ những đơn vị nghiên cứu di truyền thực vật", ông nói.
Để tránh bị lừa mua những cây đột biến giả, người chơi lan phải có kiến thức, tìm hiểu trước thông tin nguồn gốc. "Khi mua phải biết rõ cá nhân hoặc đơn vị nào nhân giống, cam kết nếu không phải dòng đột biến thì đền bù", ông nói.
GS Quý nhận định, lan đột biến đắt vì đẹp và không có nhiều. Cây có đặc điểm thân, hoa, lá khác biệt cây lan thường. Tuy nhiên hiện nay có những giao dịch chưa đúng với giá trị của cây, có phần đội giá, "dẫn đến hiểu sai về lan đột biến".
Về trường hợp này, ông cho rằng cây lan đột biến được người mua sau chăm sóc và phát triển hơn, nên giá bán tiếp theo có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy nhu cầu thị trường khi giao dịch.
Những trường hợp gian lận, người bán sẽ mua cây đột biến có thật, sau đó ghép thêm vài cây không đột biến bên cạnh từ lúc bé, đặt chúng liền nhau, khiến người mua khó phát hiện ra, nhất là khi cây chưa ra hoa.