Ở Việt Nam những chiếc loa như Alexa hay Google đến từ các nhà sản xuất của Mỹ, Trung Quốc,… không xa lạ nhưng chỉ phục vụ một bộ phận người dùng nói được tiếng Anh. Đó là lý do những nhà sáng lập của OLLI quyết định phát triển loa thông minh với trợ lí ảo có tên gọi Maika.
Âm thầm phát triển trong 5 năm
OLLI được hai nhà sáng lập Tạ Thanh Hải và Bùi Bách Việt chính thức khởi động vào năm 2016 với một niềm tin rằng: “Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo sẽ sản sinh ra những trợ lý ảo hỗ trợ người dùng 24/7, hiểu người dùng hơn chính họ. Thế giới đã có nhiều loại loa thông minh nhưng người Việt chưa có những sản phẩm sử dụng ngôn ngữ bản địa. Vậy thì chúng tôi làm thôi” – anh Tạ Thanh Hải nói.
Khi bắt tay vào làm, những nhà sáng lập quyết định làm cả phần cứng lẫn phần mềm. OLLI sẽ chủ động trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm và linh hoạt đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Quan trọng hơn, chúng tôi tin trong tương lai lâu dài nếu muốn vươn ra thế giới, nếu không làm chủ phần cứng sẽ khó cạnh tranh. Các cường quốc công nghệ thực tế đều khởi đầu bằng phát triển phần cứng” – anh Lê Thanh Hải giải thích.
Để có được chiếc loa thông minh, đội ngũ phát triển OLLI tập trung vào hai nhóm việc chính là phát triển công nghệ lõi của AI và thiết kế sản xuất phần cứng. Trong đó, việc phát triển công nghệ lõi AI bao gồm việc nhận dạng tiếng nói, hiểu ngôn ngữ và tổng hợp tiếng nói. Ở mức độ căn bản nhất, OLLI có thể nghe – hiểu – tìm kiếm – trả lời. Cụ thể nhờ microphone array (microphone đa hướng), trợ lý ảo sẽ nghe được giọng nói và chuyển thành văn bản rồi phân tích xử lý tiếng Việt để tìm ra ngữ nghĩa chính xác. Sau đó, hệ thống sẽ truy xuất vào kho dữ liệu hoặc internet để tìm kiếm thông tin phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu. Cuối cùng, hệ thống sử dụng tiếng nói tổng hợp để chuyển đổi thành giọng nói tự nhiên. Hoặc nếu là lệnh điều khiển các thiết bị trong nhà, sau khi phân tích và tìm kiếm, hệ thống sẽ tự động chuyển thành các lệnh được thực thi.
Loa thông minh OLLI và trợ lý ảo MAIKA đã lọt vào Top 10 Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 do Bộ TT&TT tổ chức và Top 10 TechFest 2021 do Bộ KH&CN tổ chức.
Để làm phần cứng bên cạnh việc tìm hiểu nghiên cứu các sản phẩm đang có trên thị trường và tài liệu nghiên cứu cơ bản, OLLI cũng tuyển dụng những kỹ sư phần cứng trong nước. Chỉ đến khi đặt chân vào lĩnh vực này, các nhà sáng lập của OLLI mới nhận ra, kỹ sư Việt Nam giỏi nhưng còn thiếu kinh nghiệm, chưa có nhiều kiến thức chung về thiết kế phần cứng. Vì thế, cả nhóm phải làm rất nhiều lần để có được phiên bản tốt nhất ra thị trường. Đó là còn chưa kể đến việc loa được sản xuất lắp ráp hoàn toàn trong nước, nhiều thiết bị Việt không đáp ứng được nên nhiều ý tưởng hay thiết kế mới lạ của OLLI đều phải thay đổi để phù hợp với năng lực sản xuất trong nước.
Bởi thế, họ luôn ngưỡng mộ những công ty như Vinfast khi chấp nhận bước chân vào lĩnh vực khắc nghiệt để các kỹ sư phần cứng có cơ hội được tiếp xúc và tích lũy kinh nghiệm cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai. Một trong những cái khó nhóm gặp phải là việc thiết kế và bố trí bo mạch phải hợp lý. Đơn cử như khi bố trí bo mạch cho 4-6 microphone array (loa đa hướng) thì microphone phải được đặt ở vị trí không bị che. Các microphone này cũng cần đặt khoảng cách phù hợp với thiết kế của loa để thu được chất lượng âm thanh tốt nhất.
“Với những yếu tố đó nên loa có hình trụ là hợp lý nhất. Chúng tôi cũng bố trí loa ở phía trên mặt loa và cách nhau đều” – anh Việt nói thêm. Điều này thực tế cũng đã được một vài người dùng cho rằng, nếu loa được đặt ở vị trí cao hơn người dùng thì sẽ khó bắt tiếng. “OLLI hiểu rằng phải tiếp tục hoàn thiện và chúng tôi luôn giữ tinh thần cầu thị cải tiến không ngừng để có được sản phẩm tốt nhất” – anh Bùi Bách Việt bày tỏ.
Người bạn tâm tình của người Việt
Tháng 5/2021, OLLI chính thức ra mắt loa thông minh với trợ lí ảo có tên gọi Maika. sau năm năm phát triển. “Chúng tôi không gọi vốn trong năm năm qua mà tự đầu tư, bởi muốn làm một sản phẩm mà không chịu sự chi phối của nhà đầu tư. Điều đó cũng cho thấy sự kiên định của chúng tôi với sản phẩm của mình” - anh Tạ Thanh Hải nói.
Cùng với việc hoàn thiện sản phẩm, kho nội dung cũng được OLLI hoàn thiện từng ngày bằng cách kết nối trực tiếp với các đơn vị cung cấp tin tức. Người dùng có thể nghe nhạc, nghe radio, nghe tin tức trên báo chí, postcard, truyện thiếu nhi, truyện cười… Bên cạnh các đối tác như báo Tuổi trẻ TP. HCM, Vnexpress, VOV… OLLI cũng trực tiếp xây dựng kho nội dung của riêng mình. Hiện, OLLI có gần 30 nghìn tập podcast, gần 500 truyện sách thu âm, hơn 250 truyện cổ tích Sau năm năm phát triển, khi đã có được một sản phẩm hoàn chỉnh và thị trường đón nhận, những nhà sáng lập mới tính đến chuyện gọi vốn.
Khi được hỏi về mục tiêu trong giai đoạn tới, hai nhà sáng lập của OLLI cho biết, họ muốn, Maika sẽ trở thành cô trợ lý quen thuộc với người Việt, góp phần đưa những sản phẩm công nghệ thông minh đến gần hơn với nhiều gia đình Việt.
“Kể cả khi Google hay Amazone nhận thấy tiềm năng của thị trường mà đầu tư vào Việt Nam thì chúng tôi vẫn tin vào sức mạnh của những người bản địa thấu hiểu văn hóa và tư duy người Việt. Vì thế, trợ lý ảo Maika và chiếc loa OLLI với tính thuần Việt riêng sẽ không chỉ là một sản phẩm thuần túy mà còn có thể mang lại cảm xúc cho người dùng” – anh Tạ Thanh Hải nói. Điều đó là niềm tin quan trọng nhất giúp cho những nhà sáng lập kiên trì đi trên con đường nhiều thử thách trong năm năm qua và nhiều năm tới để khẳng định trí tuệ Việt Nam.