Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã thu thập, đánh giá đa dạng di truyền nhằm bảo tồn và lai tạo một số giống lan Hoàng thảo rừng có giá trị.
Lan Hoàng thảo là loại cây ra hoa quanh năm, thích hợp với khí hậu nhiệt đới, có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, đa số các giống lan Hoàng thảo đang được nuôi trồng ở TPHCM đều được nhập từ Thái Lan. Trong khi đó, các nhà vườn vẫn sở hữu một số giống lan Hoàng thảo rừng đã được thuần hóa, lai tạo nhưng chưa được đánh giá và khai thác một cách hiệu quả.
Trước thực tế đó, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã thực hiện đề tài “ Đánh giá, xác định bằng chỉ thị phân tử DNA và hình thái kết hợp bảo tồn một số giống lan Hoàng thảo (Dendrobium spp.) có giá trị".
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập 45 mẫu giống lan Hoàng thảo - gồm 35 giống lan giả hạc, 5 giống lan trầm, 5 giống lan long tu - ở nhiều nơi như Đăk Lắk, Kon Tum, Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Bến Tre,… Các giống này được theo dõi, chăm sóc theo đúng kỹ thuật trồng lan. Sau đó, nhóm đánh giá nguồn gen và phân tích mối quan hệ di truyền dựa trên trình tự DNA cho các giống lan đã thu thập.
Kết quả cho thấy, các mẫu giống lan ở các địa điểm thu thập có mối quan hệ di truyền gần nhau. Nhóm đã chọn được 10 giống lan đang được thị trường ưa chuộng nhất và tạo chồi, cây in vitro. Các giống này đều có thể phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống.
Ngoài ra, nhóm còn thu thập dữ liệu hình thái và cơ sở dữ liệu di truyền, phục vụ công tác đánh giá đa dạng di truyền, bảo tồn và lai tạo giống lan.
Các mẫu giống lan được nuôi cấy trong ống nghiệm. Ảnh: NNC
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu. Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu khai thác nguồn gen một số mẫu giống lan đã được lưu trữ in vitro để nhân giống cung cấp cho thị trường, đồng thời lai tạo giống mới nhằm khai thác hiệu quả nguồn lan rừng quý của Việt Nam.