Trước tình hình xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đề tài “Giải pháp đo độ mặn của nước, giúp theo dõi sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng phục vụ trong nông nghiệp” của nhóm tác giả thuộc phòng điện tử ứng dụng (Viện vật lý TP.HCM) được báo cáo tại hội chợ Techmart công nghệ sau thu hoạch do CESTI (Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức vừa qua đã thu hút sự quan tâm lớn của khách tham quan.
Độ mặn hay nồng độ muối là tổng lượng muối tính theo g/kg nước, ví dụ: 1 g muối + 1.000 g nước (tương đương khoảng 1 lít nước) sẽ có độ mặn là 1 ppt (parts per thousand).
Theo ThS. Dương Minh Trí - nghiên cứu viên Viện vật lý TP.HCM, máy đo độ mặn được ứng dụng để xác định nồng độ muối trong nước, dùng trong các ngành nuôi trồng thủy, hải sản, chế biến lương thực, thực phẩm, khí tượng thủy văn…
Tại đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn từ biển có thể vào sâu trên 100 km; và với sự xâm nhập mặn, cũng như ảnh hưởng của nhiệt độ, độ mặn nước sông rạch có thể thay đổi từ mặt nước đến đáy. Do vậy, cần đo độ mặn theo chiều sâu khác nhau để biết lớp nước nào còn là nước ngọt để tưới cây.
Sự nhiễm mặn của nước ở sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long là một tai họa dẫn đến việc cây ăn quả, lúa không phát triển và gây chết hàng loạt. Thực tế cho thấy, chỉ cần trong 1 lít nước có khoảng 1 g muối, cây sầu riêng sẽ chết.
Theo đó, độ mặn càng cao, nồng độ hòa tan oxy (DO) trong nước càng thấp. Ở cùng nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan tan trong nước biển thấp hơn khoảng 20% so với nước ngọt. Sự giảm hay tăng độ mặn của nước làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, chuyển hóa của sinh thực vật. Ngay cả sự thay đổi ion muối trong nước cũng có thể làm tổn hại đến đời sống thủy sinh hay thực vật nếu quá trình sinh học không chấp nhận ion khác.
Tóm tắt về nguyên lý hoạt động của máy đo độ mặn, ThS. Trí cho biết, máy hoạt động dựa vào việc đo độ dẫn điện, dùng điện cực graphit.
Độ dẫn điện/độ mặn của cùng một dung dịch thay đổi với nhiệt độ, nếu nhiệt độ tăng 1 đô C, độ dẫn điện tăng khoảng từ 2 - 4%. Bên trong điện cực có cảm biến nhiệt độ dùng để bù trừ nhiệt độ. Theo qui chuẩn quốc tế, giá trị đo dù ở bất cứ nhiệt độ nào đều phải đưa về 25 độ C. Mạch điện tử và phần mềm máy đo chuyển đổi giá trị độ dẫn điện thành độ mặn (độ muối).
Cũng theo ThS. Trí, sự thay đổi độ dẫn điện cho biết sự ô nhiễm trong nước. Nước thải từ nông nghiệp hay công nghiệp làm gia tăng độ dẫn điện do sự thêm vào các ion Cl, P, NO3…Trái lại, sự tràn dầu hay gia tăng các hợp chất hữu cơ làm giảm sự dẫn điện do các nguyên tố này không thể phân ly thành các ion.
Là một đơn vị có kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực chế tạo máy đo chính xác “Made in Vietnam”, các sản phẩm của Viện vật lý TP.HCM có ưu điểm là chính xác, bền, giá rẻ. Một số chủng loại còn tốt hơn nhiều so với máy ngoại nhập, trong trường hợp hư hỏng có thể khắc phục trong vòng 24 giờ, tất cả các máy được bảo hành một năm và hưởng chế độ hậu mãi vĩnh viễn.
Một số loại máy tiêu biểu của đơn vị có thể kể đến, như máy đo độ dẫn điện dung dịch dùng để đánh giá chất lượng nước ngầm, nước cất, nước xử lý bằng trao đổi ion, nước dùng trong công nghệ xi mạ, nước nuôi trồng thủy hải sản…; các loại máy đo độ pH với độ chính xác ±0.02 pH dùng đo pH trong nước nuôi tôm, cá, thực phẩm, các dung dịch hóa chất, pH đất, pH giấy, thực phẩm…; máy đo nồng độ oxy trong nước với độ chính xác +/- 0,2 mg/L, dùng đo hàm lượng oxy hòa tan trong nước nuôi trồng thủy, hải sản, nước thải…; máy đo độ ẩm tương đối của không khí; máy chỉ thị độ ẩm gỗ và bê tông …