Máy dò tạp chất giúp loại bỏ dị vật lạ trong chế biến thực phẩm
08/12/2020
108 Lượt xem
Dù quy trình sản xuất được thực hiện theo quy chuẩn nghiêm ngặt, nhưng nguy cơ nhiễm vật lạ suốt quy trình chế biến và đóng gói thực phẩm vẫn không thể loại trừ hoàn toàn. Đó là những tình huống thường thấy như tạp chất (xương, cao su, thủy tinh, vụn đá, sỏi…) lẫn lộn trong nguyên liệu thô, thiết bị vận hành gặp trục trặc khiến các chi tiết bị vỡ và rơi vãi không thể kiểm soát.
Chính vì thế, việc sử dụng máy dò tạp chất để phát hiện sớm dị vật nhằm hạn chế nguy cơ phải thu hồi sản phẩm lỗi ngoài thị trường, tránh ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất là điều vô cùng cần thiết.
Theo ông Lê Bá Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Ngọc Thọ, hiện nay thế giới đang sử dụng phổ biến các loại máy dò tạp chất là máy dò dùng cảm ứng điện từ, nhiễm từ và dùng tia X. Đây là những loại máy có chức năng phát hiện những tạp chất rắn lẫn vào trong nguồn nguyên vật liệu, sản phẩm chưa đóng gói, thành phẩm đã đóng gói… theo phương thức dò tìm tạp chất mà không tiếp xúc hoặc phá hỏng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm (HACCP, GMP…).
Mỗi dòng máy có độ ứng dụng và độ nhạy đầu dò khác nhau (tùy theo đặc trưng của sản phẩm: tỷ trọng, độ dày, độ ẩm…), nên khi doanh nghiệp quản lý chặt dây chuyền chế biến và chất lượng sản phẩm đầu ra ngay từ đầu, sẽ dễ dàng xác định được sử dụng loại máy nào để dò tạp chất là phù hợp và tính toán được chi phí sử dụng hợp lý theo nhu cầu.
Máy dò kim loại loại ứng dụng nguyên lý điện từ trường có 3 dạng: băng tải, đường ống đứng, đường ống ngang. Loại trang bị băng tải dùng để dò tạp chất kim loại trong nguyên liệu thô dạng rời hoặc thành phẩm đã đóng gói. Loại dùng đường ống đứng thì thường dò tạp chất kim loại trong bột, gạo, đường, bánh kẹo. Loại dùng đường ống ngang áp dụng dò kim loại cho sản phẩm dung dịch lỏng, sệt như kem, tương ớt…
Nếu chỉ dò sắt và inox, nhà sản xuất có thể sử dụng loại máy dò kim loại nhiễm từ (dùng nam châm). Đây là loại máy dùng cho thành phẩm đã đóng bao bì màng nhôm, nắp nhôm hoặc có đầu chì (xúc xích).
Đối với loại máy dò tạp chất X-RAY, nhà sản xuất có thể dò được kim loại, phi kim loại lẫn trong sản phẩm chưa đóng gói và đã đóng gói bằng vật liệu bao bì kim loại (kẽm, nhôm…). Khi chiếu tia X, màn hình hiển thị sẽ cho thấy toàn bộ hình ảnh là đen trắng, dựa theo sự khác biệt về mật độ vật chất (mức độ màu xám của hình ảnh), máy sẽ phát hiện ra tạp chất. Máy có thể dò được nhiều vật lạ ở nhiều hình dạng trong cùng một thời điểm. Máy sử dụng tia X với mức năng lượng rất nhỏ, tia X phát ra và đóng lại bằng công tắc nên tia X sẽ không còn trong sản phẩm sau khi đã qua hệ thống kiểm tra.
Ông Thọ cũng cho biết, trong khi các loại máy dò kim loại sử dụng nguyên lý điện từ trường hoặc nhiễm từ không tiêu hao vật tư, thì máy dò tạp chất X-RAY tiêu hao bóng tia X (bóng có tuổi thọ khoảng 10.000 giờ sử dụng), đồng thời nhà sản xuất phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn khi sử dụng tia X.
"Việc quản lý chặt dây chuyền chế biến nông sản, thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành cho dây chuyền chế biến và khâu kiểm soát chất lượng”, ông Lê Bá Thọ chia sẻ.
Các dòng máy dò tạp chất kim loại, phi kim dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm, thủy hải sản vừa Công ty Ngọc Thọ giới thiệu tại Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức. Công ty cam kết bảo hành bảo hành 2 năm, và bảo trì miễn phí định kỳ 3 tháng/lần.