Theo học chuyên ngành kiến trúc nhưng lại trăn trở về vấn đề môi trường, nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã mày mò nghiên cứu để biến chiếc sọt rác thông thường thành máy ép rác đa năng.
Nhóm gồm 3 thành viên Huỳnh Tấn Long, Phan Đặng Trùng Dương và Nguyễn Quang Nhân. Sản phẩm của nhóm cũng giành được giải ba tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Thân thiện và tiện nghi
Nói về ý tưởng này, Long cho biết nếu có thể biến được một chiếc sọt rác thông thường thành máy ép rác đa năng thì vừa tạo thói quen phân loại rác ngay từ nguồn tại các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn... vừa xử lý (ép) để tách một lượng nước lớn trong rác hữu cơ, và dùng sản phẩm sau khi ép làm phân bón trong trồng trọt.
Với chiếc máy này, người sử dụng chỉ cần nhấn vào nút đóng/mở, bên dưới là một khoảng trống (như một thùng rác được đưa lên cao), sau đó cho rác hữu cơ vào bên trong. Khi rác hữu cơ trong khuôn ép đầy thì nhấn nút ép rác. Cửa tự động đóng lại, sau đó máy ép thủy lực từ dưới đưa lên. Ngăn chứa rác có các lỗ li ti, nước thải khi ép sẽ thoát ra từ các lỗ này, và chảy xuống khoang chứa. Khi lực nén đạt đến cực đại đã cài sẵn, sáu bề mặt của khuôn ép có điện trở bên trong sẽ nóng lên, làm co rút màng nhựa sinh học, để định hình rác thành một khối. Màng nhựa sinh học này có thể tự phân hủy từ 2 - 4 tháng.
Khi ép xong nhấn nút lấy rác, bàn ép sẽ đẩy khối rác sau khi ép lên đến chiều cao cực đại, ngang với bàn thao tác để người sử dụng lấy rác chuẩn bị thu gom. Sau khi lấy rác, nhấn nút xả nước. Hai đường ống dẫn nước nối với bàn ép sẽ phun nước, xả rửa, vệ sinh sạch khuôn ép.
Bên cạnh đó, nước thải sẽ trải qua 3 tầng lọc trước khi thải ra môi trường. Vì thế, sản phẩm của nhóm hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Sản phẩm máy ép rác đang được nhóm tiếp tục cải tiến để đưa ra thị trường
Ép rác thành “bánh” làm phân bón
Với việc sử dụng công nghệ nén thủy lực, rác hữu cơ sau khi xử lý không những thân thiện với môi trường vì đặc tính khô ráo, không mùi, mà còn có thể sử dụng để làm phân bón.
“Tự động hóa giúp tiện nghi cho người dùng, lại vừa nhỏ gọn, thiết kế bên ngoài phù hợp với không gian bếp và hoàn toàn kín, ngăn mùi hôi thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, điểm ưu việt là có thể giúp phân loại rác ngay tại nguồn”, Long tự hào về thành quả của nhóm.
Thế nhưng, “nhóm cũng lo ngại các hộ gia đình liệu có mua một chiếc máy ép rác tự động giá tầm 2 - 3 triệu đồng để thấy ngay lợi ích trước mắt? Do đó, nhóm đã tiếp tục tìm cách sử dụng sản phẩm sau khi ép. Đó là những chiếc “bánh” rác đã được tách nước, khô ráo sẽ dùng làm phân bón, có thể bán cho những nơi xử lý làm phân bón phục vụ trồng trọt, tăng thu nhập cho gia đình”, Dương chia sẻ.
“Bánh” rác sau khi đã được ép
Trước khi mang sản phẩm đi thi, nhóm đã khảo sát tại 30 địa điểm, gồm những hộ gia đình, chung cư đã xuống cấp (hệ thống xử lý rác vẫn còn nhiều hạn chế), các quán ăn nhỏ lẻ đến một số quán quy mô tại TP.HCM, hầu hết người dân đều ủng hộ và rất thích thú với chiếc máy ép rác này.
Khi chúng tôi thắc mắc về giá trị dinh dưỡng cho cây trồng của “bánh” rác sau khi ép, thì nhóm cũng thành thật: “Lượng nước sau khi ép không thể tách hoàn toàn khỏi rác, nước trong rác hữu cơ được tách ra khoảng 60 - 80%, còn lại chủ yếu là chất xơ. Nhóm tin là sản phẩm sau ép có thể xử lý và dùng trong nông nghiệp dù lượng nước đã được tách ra như vậy. Bởi hiện nay, lá khô, rạ khô... đều đang được sử dụng trong nông nghiệp”.