Với ăcquy tích năng lượng mặt trời sạc đầy trong vòng 6 tiếng, máy của Quang có thể hoạt động liên tục 2 tiếng trong thời tiết không có nắng và có hệ thống chiếu sáng nếu sử dụng vào ban đêm.
Người sáng chế và điều khiển máy này là cậu học sinh lớp 9 Nguyễn Trịnh Quang (Trường THCS Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn).
Năng suất gấp chục lần
Bật điều chỉnh tốc độ, Quang đẩy nhẹ chiếc máy lên phía trước để bốn mũi khoan bằng thép xuyên vào đất tạo rãnh. Ngay sau đó, bốn hộp đựng hạt bắp và phân vi sinh dạng phễu làm bằng ống nhựa PVC lắp gần cuối thân máy nhả hạt bắp rơi xuống các rãnh đều tăm tắp.
Bắp và phân rơi đến đâu, bộ phận lấp hạt làm bằng thép, theo điều chỉnh của Quang, tăng giảm lượng đất lấp vào rãnh. Trong vòng 2 phút 30 giây trên diện tích 100m2, bắp và phân đã được gieo và lấp lại.
Kết quả ghi nhận được là trong cùng thời gian 2 phút 30 giây so với người gieo thủ công, năng suất máy cao hơn 20 lần (hạt bắp), 60 lần (đậu phộng), 40 lần (đậu đen) và 56 lần (đậu xanh).
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - nông dân thôn Túy Thạnh (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) - ngạc nhiên: "Tôi làm ruộng đã hơn chục năm. Thường thì sau khi làm tơi đất, để gieo hạt bắp trên diện tích 500m2, năm người sẽ phân chia các hàng, khom lưng dùng tay bỏ từng hạt vào rãnh, bón phân và lấp lại. Nhanh nhất cũng phải 6 tiếng. Nhưng với tốc độ chiếc máy này thì mất chưa đầy 15 phút, thật kỳ diệu".
Năng lượng mặt trời
Nhiều người bất ngờ đặt câu hỏi làm thế nào chiếc máy di chuyển trên cánh đồng nhẹ nhàng như vậy?
Quang chia sẻ tất cả nhờ vào tấm pin mặt trời được đặt ở vị trí có nắng. Cậu học trò dùng hai tấm pin mặt trời mắc song song với nhau rồi nối vào bộ điều khiển sạc. Từ bộ điều khiển sạc nối vào ăcquy. Với nguồn năng lượng được sạc vào bình ăcquy, máy được lắp môtơ giảm tốc tốc độ quay 300 vòng/phút.
"Trước khi gieo hạt ta phải sạc đầy điện cho bình ăcquy. Để điều chỉnh được tốc độ của máy cần gắn thêm bộ điều tốc. Trên bộ điều tốc có nút điều khiển thay đổi tốc độ quay của môtơ, giúp thay đổi tốc độ của máy nên có thể đẩy máy đi nhẹ nhàng không tốn sức" - Quang chia sẻ.
Với ăcquy tích năng lượng mặt trời sạc đầy trong vòng 6 tiếng, máy của Quang có thể hoạt động liên tục 2 tiếng trong thời tiết không có nắng và có hệ thống chiếu sáng nếu sử dụng vào ban đêm.
Từ vất vả của nghề nông
Sinh ra ở một vùng quê miền núi nghèo khó, từ nhỏ Quang đã chứng kiến những người nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vất vả sản xuất, tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả không cao.
Quang chia sẻ người dân ở quê chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp là chính. Có nhiều diện tích đất cát nông dân thường trồng bắp, đậu phộng, đậu đen, đậu xanh... Nhưng việc trỉa, trồng người dân phải còng lưng gieo hạt, vừa hay gặp vấn đề xương khớp vừa tốn rất nhiều công, sức mà hiệu quả kinh tế không cao.
"Cũng có một số chiếc máy phục vụ trong nông nghiệp nhưng chủ yếu chạy bằng xăng, dầu gây ô nhiễm môi trường. Từ năm lớp 8 mình bắt đầu có ý định làm một chiếc máy vừa giúp cho các bác nông dân giảm bớt được công sức, đem lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường" - Quang chia sẻ.
Khi Quang đề xuất ý tưởng với thầy Phạm Văn Quốc, giáo viên môn vật lý Trường THCS Hoài Sơn, thầy Quốc ủng hộ và hỗ trợ cậu học trò để triển khai.
"Ngoài tấm pin năng lượng mặt trời, ăcquy phải đặt mua. Còn các thanh thép, sắt, bánh xe thầy và mình đã tận dụng lại để làm khung, tay cầm đẩy máy được lấy từ phần khung tay nắm của xe đạp. Bánh xe ban đầu cũng lấy từ xe đạp mini loại nhỏ, nhưng sau đó do khó di chuyển trên đất nên thay bánh xe bằng sắt" - Quang chia sẻ.
Theo Quang, điều khó khăn nhất khi tạo chiếc máy này là làm sao cho các trục lấy hạt có thể sử dụng nhiều loại hạt. "Các trục lấy hạt, lấy phân vi sinh có hình trụ, tâm trục được khoan thủng, được làm bằng gỗ dài 5cm và được gắn trên trục quay của máy. Trên mặt trục lấy hạt được khoét các lỗ có khoảng cách bằng nhau, có kích thước phù hợp với từng loại hạt để hạt rơi vào.
Khi máy hoạt động kéo theo mũi tạo rãnh, trục lấy hạt, giá lấp đất hoạt động. Khi bánh xe quay một vòng, đi được quãng đường 150cm thì trục lấy hạt cũng quay đúng một vòng và bỏ đúng số hạt trên trục lấy hạt đã tạo" - Quang nói.
Thầy Quốc cho biết chỉ trợ giúp một phần nhỏ, còn lại đều do cậu học trò của mình tự mày mò, nghiên cứu, đề xuất cách làm. Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại thì sau một năm chiếc máy đã hoàn thành và hoạt động thành công. Kinh phí để hoàn thiện máy gieo hạt bằng năng lượng mặt trời là hơn 3 triệu đồng.
Giải nhất sáng tạo thanh thiếu niên
Sản phẩm "Máy gieo hạt sử dụng năng lượng mặt trời" của Quang đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên năm 2019 tỉnh Bình Định. Về hướng phát triển của máy trong tương lai, Quang chia sẻ thêm máy có thể phát triển với quy lớn hơn bằng cách sử dụng nhiều tấm pin có công suất lớn hơn và môtơ điện có công suất lớn hơn và khi đó máy sẽ thiết kế bộ phận để người điều khiển ngồi trên máy, đỡ phải đi bộ điều khiển máy.