TS. Nguyễn Xuân Thiết và các cộng sự tại khoa cơ điện, Học viện nông nghiệp Việt Nam đã chế tạo thành công máy cắt băm gốc rạ. Đây là máy “hai trong một”, có khả năng đồng thời thực hiện được cả hai chức năng cắt và băm gốc rạ.
Phần quan trọng nhất của chiếc máy là động cơ thủy lực nhận truyền động quay và momen cho hai trống băm. Khi vận hành, hàng dao di động chuyển động quay cùng trống băm, kết hợp với tấm kê cắt những gốc rạ di chuyển vào trong mũi rẽ. Sau khi gốc rạ bị cắt đứt, phần gốc sẽ bị các cánh gạt lắp trên trống băm và đưa vào trong vùng cắt. Tại đây, các gốc rạ bị cánh gạt có tác dụng ép và đẩy vào các gốc rạ trượt trên cạnh sắc của các dao cố định. Do đó, gốc rạ được cắt thành nhiều đoạn ngắn. Rạ sau khi được cắt ngắn sẽ được cánh gạt đẩy về phía sau máy và dưới tác dụng của máy ly tâm được tung rải trên mặt đồng. Máy có năng suất 0,2 - 0,5 ha/giờ.
Với thiết bị này, việc làm gọn, giải phóng mặt đồng có thể chỉ mất vài giờ, tạo thuận lợi cho máy làm đất thực hiện công đoạn tiếp theo như làm tơi nhỏ và lên luống. Bên cạnh đó, cây rạ sau khi được cắt băm cũng dễ phân hủy hơn, bởi nếu để cả thân dài, máy phay đất dù có đi vài lần cũng khó làm đất tơi, các ổ nấm bệnh cũng bị tiêu diệt dưới ánh nắng, cắt đứt nguồn lây bệnh từ vụ trước sang vụ sau.
TS. Nguyễn Xuân Thiết và các cộng sự đã thử nghiệm máy trên cánh đồng 10 ha. Trên diện tích rộng lớn này, có những vùng được canh tác thường xuyên, cũng có nơi bỏ hoang nhiều năm liền nên nhiều cây dại, đất đá lổn nhổn. Nhóm nghiên cứu chỉ mất 2 tuần để xử lý cánh đồng rậm rạp, đất đai bằng lì và khô cằn này, biến nó trở thành vùng trồng đậu tương “đẹp như mơ”.