Đeo đuổi ý tưởng về một máy lột vỏ củ sắn (khoai mì) tự động, trong vòng 15 năm, ông Nguyễn Linh ở thị trấn Chư Ty (huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tốn không biết bao công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, ông vô cùng hài lòng khi có được trong tay cỗ máy “trong mơ” với năm phiên bản khác nhau.
Ở thị trấn Chư Ty, ai mà chẳng biết ông Linh, một người nông dân trồng tiêu và sắn không tiếc tiền đầu tư mày mò tìm hiểu cái máy lột vỏ sắn cho bao người trồng sắn có cơ hội sử dụng. Ý tưởng này đến với ông Linh vào khoảng những năm 2000, khi cả tỉnh Gia Lai của ông có tới hơn 24 nghìn ha đất trồng sắn. Đến mùa thu hoạch, nhìn những người xung quanh mình ngồi lột vỏ sắn bằng tay, mất rất nhiều thời gian và công sức mà kết quả cũng không cao, ông Linh nghĩ mình cần phải làm ra cái máy gọt củ sắn tự động để mọi người đỡ vất vả mà vẫn bóc vỏ được một lượng củ sắn lớn, đồng thời dành được nhiều thời gian cho các công đoạn sản xuất khác.
Ông Nguyễn Linh giới thiệu về máy gọt củ sắn. Nguồn: TTXVN
Theo nhà sáng chế không chuyên này, vào thời điểm ấy, sắn là cây trồng ngắn ngày của bà con nơi đây được trồng ở các điểm trồng xa khu dân cư. Do đó, mỗi vụ thu hoạch, mọi người đều phải tốn cả công sức lẫn tiền bạc để có thể hoàn thành một quy trình đầy đủ như đào củ, vận chuyển về buôn làng gọt vỏ, thái lát phơi khô rồi đem bán cho các nhà máy chế biến tinh bột, trong đó khâu lột vỏ lấy nhiều công sức và thời gian nhất. Ông Linh kể: ‘Trước thì bà con chủ yếu dùng dao bào, dao hai lưỡi gót để bóc vỏ khoai mì, ngay cả khi đã quen tay thì mỗi người cũng chỉ gọt được 300kg mỗi ngày”.
Chiếc máy gọt củ sắn của ông Nguyễn Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0025571.
Cũng như nhiều nhà sáng chế không chuyên khác ở nhiều miền quê khác ở Việt Nam, ông Linh không phải là dân kỹ thuật. Vì vậy, cách ông bắt tay vào “nghiên cứu” chiếc máy lột củ sắn với niềm tin “ngây thơ” là “sẽ làm nhanh thôi, không mất quá nhiều thời gian” không thật sự bài bản nhưng lại đủ niềm đam mê để đi theo một chặng đường kéo dài tới gần 15 năm. Thật đáng tiếc là trong quãng thời gian ấy, vì đeo đuổi mục tiêu mà ông đã bán đi nhiều tài sản có giá trị của gia đình để đổ vào việc nghiên cứu.
Tuy nhiên có một cái may là niềm đam mê ấy đủ để dẫn ông đến kết quả: vào cuối năm 2014, ông Linh cho ra mắt được phiên bản đầu tiên và cải tiến thêm vào năm 2018. Do chưa từng học qua lớp cơ khí nào, ông Nguyễn Linh mày mò từ những quyển sách thiết kế máy móc, đến các xưởng cơ khí để hỏi người ta cách làm. Thậm chí, ông còn “chịu chơi” đi cả vào TP Hồ Chí Minh, lặn lội ra Huế để tìm kiếm những chi tiết máy mà ông cho là phù hợp với mục tiêu của mình.
Trong quá trình tìm tòi, ông nhận ra điểm khác biệt của sắn so với khoai lang hay ngô là củ sắn thường có độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau và chênh lệch kích thước rất rõ, ngay với một gốc sắn thì có củ to lẫn nhỏ, hơn kém nhau tới bốn lần với hình thù khá đa dạng. Mặt khác, trong củ sắn có rất nhiều nhựa, lại rất dễ bám vào lưỡi dao làm cản trở quá trình tách vỏ liên tục. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Rút cục, ông Nguyễn Linh đưa ra thiết kế máy bóc củ sắn gồm ít nhất một cơ cấu bóc vỏ với cụm truyền động có khả năng nhận củ sắn có kích cỡ khác nhau. Cụm truyền động này gồm cặp máng nạp củ được bố trí song song, tạo thiết diện hình chữ V để chứa củ sắn cần bóc vỏ. Hai máng này được bố trí ở đầu nạp củ sắn và được liên kết với khung đỡ thông qua các hệ lò xo giúp cho chúng có thể di chuyển đến gần hoặc ra xa khung đỡ nhờ lực ép đàn hồi cua lò xo. Nhờ sự linh động này mà hai máng cặp có thể thu hẹp lại hoặc mở rộng ra tùy theo kích thước của củ sắn. Bộ truyền động được bố trí bên dưới máng nạp củ sao cho phần xích trên nằm giữa cặp máng nạp củ và song song với cặp máng này, trong đó nhông dẫn động ở phía đầu nạp sắn, trên xích có cần đẩy củ.
Để giải quyết bài toán củ sắn có nhiều kích cỡ khác nhau, máy được thiết kế cặp tấm ép củ có dạng như tấm ván lượt bố trí nối tiếp nhau bên trên khoảng giữa hai máng nạp củ và cách nhau một khoảng. Các tấm ép này được treo lên khung đỡ bằng các hệ lò xo để có thể nén vào hay dãn ra nhờ lực ép tạo ra do kích cỡ của củ sắn. Bốn cặp dao gọt vỏ được bố trí dọc theo chiều chuyển động của củ sắn, trong đó mỗi cặp dao gồm có 2 cụm dao đối xứng nhau qua mặt phẳng chứa xích và nhông, mỗi cụm dao có vai trò gọt 1/8 vỏ củ sắn tính theo chiều ngang củ. Nhờ vậy, việc củ sắn được thực hiện một cách dễ dàng đúng yêu cầu.
Chiếc máy đầu tiên ra đời được ông Nguyễn Linh miêu tả to như… xe tăng với hơn 1.200 chi tiết và nặng hơn một tấn. Thành công bước đầu với ông còn chưa đủ bởi nó quá cồng kềnh, không thể di chuyển lên nương rẫy gọt vỏ ngay tại chỗ được. Bởi vậy, ông suy nghĩ cách thu nhỏ nó lại. Đây là lý do kể từ phiên bản đầu tiên, trải qua thêm năm phiên bản nữa, thì cuối cùng chiếc máy gọt vỏ sắn của ông chỉ nặng khoảng 60kg, chiều cáo 60-70cm, chiều rộng 60cm và dài 90 cm, có thể di chuyển đến mọi nơi, mọi địa hình trên các cánh đồng trồng sắn mỗi khi đến mùa thu hoạch và chế biến. So với chiếc máy ban đầu, chiếc máy nhỏ gọn này chỉ còn khoảng 30 chi tiết. Năng suất trung bình của máy đạt 2-2.5 tấn/giờ. “Ưu điểm lớn nhất là máy không sử dụng nước nên không gây ô nhiễm môi trường. Chiếc máy hoàn toàn có thể thay thế ba nhân công mỗi ngày cho mỗi tấn sắn nên chủ vựa sẽ không phải lo lắng chuyện tìm người gọt vỏ mỗi mùa vụ. Việc lột vỏ nhanh khiến họ có thể kịp thời đưa sắn tiếp tục vào công đoạn sản xuất tiếp theo như bào mỏng, duôi nhỏ…” – ông Linh nói.
Là người đã từng bán đi nhiều tài sản có giá trị như vườn cây để có tiền mua các phụ tùng linh kiện cho chiếc máy “mơ ước”, giờ đây khi đã có trong tay chiếc bằng độc quyền sáng chế, ông Nguyễn Linh mong muốn có thể nhượng lại bản quyền cho một công ty sản xuất máy nông nghiệp nào đó. “Chiếc máy đã chứng minh được hiệu quả và được nhiều gia đình ở xung quanh vùng sử dụng. Nhưng tôi đã quá già để có thể tiếp tục nghiên cứu chế tạo sản xuất, làm marketing bán hàng… vì thế tôi muốn nhượng lại. Trước hết chính là để tâm huyết cả đời không hoài phí” – ông Linh bày tỏ.
Bích Ngọc (Bài viết hợp tác giữa Cục SHTT và Báo KH&PT)