Chiếc máy tách sợi của anh Bùi Khánh Dũng (Công ty Musa Pacta) đã biến những thân cây chuối bị chặt bỏ sau thu hoạch - vốn được coi là chất thải gây ô nhiễm môi trường, trở thành nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm giá trị cao.
“Cách đây hàng ngàn năm, sử sách đã từng đề cập đến vải sợi chuối ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải, gọi là tiêu cát, mặc đẹp và mát (sách Quảng chí của Trung Quốc)”, anh Bùi Khánh Dũng đã mở đầu cuộc trao đổi với KH&PT bằng lời giới thiệu vắn tắt về lịch sử sợi chuối ở Việt Nam. Quãng thời gian làm việc ở Nhật cách đây gần 10 năm đã cho anh cơ hội “thực mục sở thị” loại vải này: “Ở Nhật tôi đã thấy nhiều thứ rất hay từ sợi chuối như giấy, vải, quần áo, túi trà, thậm chí một số tờ tiền của Nhật cũng làm từ sợi chuối. Có sản phẩm bán với giá rất đắt, chẳng hạn một chiếc áo làm bằng vải sợi chuối có giá gần 40 triệu đồng”.
Anh Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty Musa Pacta và những sản phẩm từ sợi chuối. Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn
Trái ngược với thế giới, ở Việt Nam, thân cây chuối thường bị coi là đồ bỏ đi. “Mỗi cây chuối chỉ cho một buồng rồi sẽ chết, sau khi thu hoạch sẽ bị chặt bỏ. Có nhà tận dụng phần thân để nuôi gà, lợn nhưng cũng chỉ xử lý được một phần rất nhỏ. Trong khi đó, chuối là cây trồng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam, khoảng 200 ngàn ha, gần như làng quê nào cũng có, trung bình mỗi năm có hàng chục triệu tấn thân cây chuối bị thải bỏ. Tôi thấy thực sự lãng phí, nên bắt đầu tìm hiểu về sợi chuối”, anh Dũng nói.