|
Để khởi nghiệp thành công rất cần tốc độ để chớp đúng thời cơ và không bỏ lỡ cơ hội. Để làm được điều này lại đòi hỏi các start-up luôn phải đi đúng hướng. Đây cũng là một thách thức rất khó đối với start-up. Đó là lý do vì sao nhà lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp luôn cần những người cố vấn cho mình bên cạnh. Tại Việt Nam, tuy còn mới mẻ, nhưng một hệ thống những nhà cố vấn (còn gọi là mentor) đang dần thành hình và bước đầu giúp định hình chiến lược, tư tưởng của các start-up. BKHoldings là hệ thống doanh nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội và là 1 trong những đơn vị hoạt động tích cực nhất trong trường Đại học Bách Khoa để tham gia xây dựng vào hệ sinh thái khởi nghiệp. BKHoldings được giao 2 nhiệm vụ khi tham gia vào Đề án 844 (Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025) là nhiệm vụ phát triển cộng đồng cố vấn khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đào tạo khởi nghiệp.
Cố vấn khởi nghiệp - hướng đi mới của start-up
Hiện chưa có một thống kê nào để đo đếm sự hiệu quả của hoạt động cố vấn tại Việt Nam. Nhưng theo khảo sát từ năm 2003 đến 2013 của tổ chức Endeaver Insight tại Mỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp có người sáng lập từng được "tiếp lửa" bởi nhà cố vấn sẽ có tỷ lệ tăng trưởng đến 33%.
Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc ươm tạo công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BKHoldings) cho biết: Khi tham gia Đề án 844, BKHoldings đã tham gia các hoạt động của đề án từ Techfest 2015, 2016 và 2017. Mỗi đợt Techfest là một dấu ấn rất lớn để chúng tôi được tham gia vào “đại hội” của làng khởi nghiệp, gặp gỡ các bạn bè, đồng nghiệp và rất nhiều đối tác, có dịp để được đặt mình vào vị trí để nhìn toàn cảnh của làng khởi nghiệp của Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung rất nhiều vào 2 mảng: thứ nhất là mảng đào tạo - các hoạt động đào tạo trong hệ sinh thái và thứ hai là trực tiếp tham gia cố vấn cho các nhóm khởi nghiệp. Đối với hoạt động đào tạo, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã triển khai các cấp về tổ chức các khóa ToT (Training of Trainer - Đào tạo giảng viên nguồn) và ở góc độ thứ 2 là tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức và kỹ năng cho các nhóm khởi nghiệp.
Em Phan Thế Lâm - sinh viên năm cuối trường đại học Bách khoa Hà Nội. Em là người lập ra 1 nhóm start-up để làm về thiết bị thông minh cho xe máy cho biết: Khi nhắc tới khởi nghiệp thì thường là các bạn sinh viên, mà sinh viên thì luôn thiếu kinh nghiệm, kiến thức và mentor chính là người đem lại những điều này cho nhóm khởi nghiệp trẻ. Rõ ràng, việc có mentor rất quan trọng và cần thiết đối với một start-up trẻ hoàn thiện được sản phẩm, hoàn thiện được các nhu cầu của thị trường. Họ là người có kinh nghiệm, đi trước, họ đã từng vấp ngã, họ sẽ chia sẻ với mình những vấp ngã. Do đó, em thấy việc mentor cho các start-up rất là tốt. Chúng em đã nhận được rất nhiều từ sự hỗ trợ của BKHoldings. Chính anh Phạm Tuấn Hiệp đã mentor chúng em trong 1 số dự án nhỏ trước đây.
Hoạt động cố vấn góp phần quan trọng trong việc giúp cho những nhà sáng lập, những lãnh đạo khởi nghiệp trở nên tốt hơn. Khi đó, start-up sẽ có nhiều cơ hội hơn để thành công. Nhưng cho dù start-up có thất bại, những nhà sáng lập giỏi sẽ không bỏ cuộc, họ sẽ start-up lần 2, lần 3... Đó là lý do khiến cần nhiều hơn nữa các nhà cố vấn khởi nghiệp trong thời gian tới.
Thúc đẩy đào tạo khởi nghiệp tại Việt Nam
Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang trở nên phổ biến và được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Trên thế giới, có nhiều quốc gia khởi nghiệp thành công như Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Singapo tuy nhiên cũng có một số quốc gia, phong trào này không thực sự thành công.
Việt Nam đi sau nhưng không quá chậm trong phong trào khởi nghiệp và có một điều rất quan trọng khi làm khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực. Trên thực tế, khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố con người trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được đánh giá là có chất lượng vàng. Đây là thời điểm thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Để khởi nghiệp thành công việc hiểu và biết để làm khởi nghiệp đúng nhất là điểu rất quan trọng. Ngoài việc có một tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Đây là những điều mà trong quá trình học tập tại các trường đại học, kinh doanh, các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, các hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi không được dạy một các đầy đủ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay, Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm tới vấn đề giảng dạy, đào tạo cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sinh viên có đủ kiến thức căn bản để khởi nghiệp: "Chúng tôi đang trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như một số trường có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên khối trường kỹ thuật, thương mại và những trường liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp".
Chia sẻ về các chương trình đào tạo của BKHoldings, Ông Phạm Tuấn Hiệp cho biết: BKHoldings đã bắt đầu tập trung triển khai vào mảng đào tạo và tiến hành thực hiện vào khoảng nửa sau năm 2017 và vì thế BKHoldings mới chỉ triển khai được bề rộng. Bề rộng là các khóa đào tạo ngắn 3 - 7 ngày. Với các khóa đào tạo đó thường là ở cấp độ khai tâm mở trí và giới thiệu cho các phương pháp và những khái niệm của khởi nghiệp và khởi nghiệp tinh gọn. Để hình dung một chút về con số thống kê, trong thời gian vừa rồi chúng tôi tập trung khá nhiều vào các cuộc thi khởi nghiệp trong phạm vi trường đại học. Ví dụ Khởi nghiệp Kawai của trường đại học Ngoại thương, Khởi nghiệp Việt - Đức và gần đây là cuộc thi Sáng tạo trẻ, chúng tôi đều tham gia. Tham gia ở cấp độ là ban giám khảo, cố vấn và tham gia ở cấp độ là cùng tham gia các hoạt động đào tạo bên đó. Nhìn nhanh vào các cuộc thi đó, BKHoldings may mắn được tham gia 3-4 cuộc thi. Và mỗi cuộc thi sẽ được làm việc với 50 nhóm ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Như vậy, qua một con số thống kê sơ bộ, thì trong khoảng năm 2017 vừa rồi, BKHoldings được làm việc với gần 200 nhóm ý tưởng kinh doanh của sinh viên.
Trong đề án 844, BKHoldings được giao 2 nhiệm vụ là nhiệm vụ phát triển cộng đồng cố vấn khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đào tạo khởi nghiệp. Cả 2 nhiệm vụ này đều chính thức triển khai từ tháng 9/2017. Cho đến nay, đây cũng là một khoảng thời gian gắn kết và trong thời gian vừa qua BKHoldings tập trung vào các hoạt động chuẩn bị, thiết kế nội dung để đào tạo và cũng bắt đầu triển khai được một số hội thảo, một số khóa đào tạo ngắn. Ông Phạm Tuấn Hiệp chia sẻ thêm.
Tin tưởng, dự án trên được triển khai sẽ góp phần tăng cưởng khả năng tồn tại, phát triển và thành công của các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định và tăng trưởng GDP của cả nước dựa trên nền kinh tế năng động, sáng tạo và bền vững hơn. Thêm đó, các hoạt động cố vấn khởi nghiệp với động lực chia sẻ với cộng đồng sẽ giúp xây dựng văn hóa chia sẻ và cởi mở, sẵn sàng hợp tác để vượt qua thử thách trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Theo NASATI