Motorsafe - phần mềm hỗ trợ người tham gia giao thông
13/06/2018
310 Lượt xem
Với phần mềm Motorsafe, PGS-TS Trần Đức Tân – Phó chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông (ĐH Quốc gia Hà Nội) và đồng nghiệp hi vọng sẽ là giải pháp biến điện thoại thông minh từ nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe máy thành người bạn đồng hành hữu ích.
Xử lý chính xác cuộc gọi đến 95%
Theo Cục Quản lý giao thông đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) năm 2017, Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy, chiếm 93% số phương tiện tham gia giao thông. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 70,18%, trong đó tai nạn giao thông liên quan đến hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy chiếm khoảng 6-8%.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Trần Đức Tân đã nghiên cứu phần mềm hỗ trợ người đi xe máy trong điều kiện giao thông tại Việt Nam với tên gọi Motorsafe.
Nói về tính năng của phần mềm này, PGS Trần Đức Tân cho biết, Motorsafe hỗ trợ người sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông bằng cách tự động chuyển chế độ thông thường sang chế độ im lặng khi thiết bị phát hiện người dùng đang điều khiển xe máy tham gia giao thông và ngược lại, tự động chuyển sang chế độ thông thường khi người dùng dừng, đỗ.
Phần mềm cũng có chức năng nhận cuộc gọi từ người cực kỳ quan trọng (danh sách VIP) hay những cuộc gọi khẩn cấp được nhận biết là có tần suất gọi đến liên tục (3 cuộc gọi liên tiếp trong 3-5 phút) hệ thống sẽ xử lý tương tự như đối với cuộc gọi trong danh sách VIP. Ngoài ra phần mềm còn có tính năng cảnh báo người tham gia giao thông nếu chạy vượt quá tốc độ cài đặt trước hoặc tự động xác định vị trí khi người sử dụng xảy ra tai nạn và nhắn tin báo địa điểm tới người thân hoặc trung tâm cứu hộ.
Phần mềm Motorsafe. Ảnh: NV
Theo PGS Trần Đức Tân tính năng nổi bật của phần mềm này chính là chức năng chuyển tự động giữa chế độ thông thường và im lặng, bởi hiện nay trên thị trường các phần mềm tương tự chưa có được tính năng này. Việc này gây bất tiện cho người sử dụng. Chẳng hạn, người sử dụng đặt ở chế độ đi xe máy nhưng khi dừng đỗ, hoặc không tham gia xe máy thì điện thoại vẫn ở chế độ im lặng và khi đó có thể bị lỡ nhiều cuộc gọi quan trọng.
Về nguyên lý hoạt động, nhóm nghiên cứu sử dụng thuật toán cây quyết định, tạo ra một ứng dụng khai thác dữ liệu thô từ cảm biến gia tốc có sẵn trong thiết bị smartphone. Qua phân tích, sử dụng các kiến thức về xử lý tín hiệu và học máy, phần mềm cho phép phát hiện được hành vi đang đi xe máy của người tham gia giao thông với độ chính xác lên tới 95%, tức 100 lần đi xe máy phần mềm có thể phát hiện chính xác đến 95 lần. Ở phiên bản sắp tới, PGS Tân hi vọng có thể nâng độ chính xác lên đến 99%.
Cao Đình Đức - sinh viên năm tư, Khoa Điện tử Viễn thông, trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đã cài phần mềm Motorsafe được hơn 4 tháng và nhận thấy phần mềm khá nhạy trong việc phát hiện nhanh người dùng đang đi xe máy hay không. “Với mật độ giao thông ở Hà Nội khá dày đặc, việc cài đặt phần mềm Motorsafe giúp nhận dạng các cuộc gọi không cần thiết là rất quan trọng” - Cao Đình Đức nói.
Nâng cao các tính năng của phần mềm
Mặc dù có những tính năng ưu việt nhưng Đức cho rằng phần mềm vẫn tồn tại một số điểm cần khắc phục như tính năng cảnh báo tai nạn và tự động gửi tin nhắn cho người thân. Bởi hiện nay, cơ chế hoạt động của tính năng này dựa trên cảm biến gia tốc, tức nếu gia tốc thay đổi cực lớn và bất ngờ phần mềm sẽ mặc định đó là tai nạn và tự động gửi tin nhắn. Vì vậy, Đức cho rằng, ngưỡng để xác định đó là một tai nạn chính xác hay không cần phải được nghiên cứu rất chi tiết để có thể đưa ra được cảnh báo chính xác.
Nhóm nghiên cứu phần mềm Motorsafe. Ảnh: NV
Nhận biết được điểm hạn chế này, PGS Tân và nhóm nghiên cứu đã nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tế. “Chúng tôi phát triển theo hai cách: trường hợp xảy ra tại nạn, điện thoại sẽ rung lên trong vòng 30 giây đến một phút và gửi cảnh báo “Bạn có an toàn không?”. Nếu người lái vẫn kiểm soát được hành động sẽ nhấn vào nút an toàn, khi đó hệ thống sẽ không gửi tin nhắn; còn nếu không bấm vào nút đấy thì hệ thống sẽ gửi tin nhắn báo tai nạn đến người thân” - PGS Tân phân tích thêm, tuy nhiên sẽ có trường hợp nếu người đi bộ rơi điện thoại từ trên cao xuống với gia tốc lớn mà không hay biết, liệu tính năng cảnh báo tai nạn có được bật hay không? “Nhóm đã nghiên cứu và sử dụng cảm biến để phát hiện người sử dụng điện thoại đang đi xe máy trước đó vài phút để phân biệt với những trường hợp “giả tai nạn”.
Ngoài tính năng cảnh báo tai nạn thì tính năng tự động gửi tin nhắn “Tôi đang lái xe” khi thấy cuộc gọi đến cũng được nhóm nghiên cứu cải tiến để phù hợp với tình hình sử dụng hiện nay bởi theo PGS Trần Đức Tân, với người dùng là thanh niên, học sinh, sinh viên, mỗi lần gửi tin nhắn sẽ bị trừ tiền nên họ “không thích”. “Chính vì thế, chúng tôi đã điều chỉnh tính năng gửi tin nhắn tự động thành tùy chọn, tức khi cài phần mềm, người dùng có thể lựa chọn tự động gửi tin nhắn hoặc đơn thuần chọn chuyển sang chế độ im lặng” – PGS Tân nói.
Hiện ứng dụng Motorsafe đang được đặt tại kho dữ liệu play.google.com để người dùng có thể tải phần mềm về một cách dễ dàng. Với ý nghĩa xã hội mang lại, PGS Tân mong muốn có thể phát triển phần mềm trên các hệ điều hành khác nhau như IOS, windows phone… để có thể tiếp cận được số lượng người dùng nhiều hơn.