Năm 2019 vận hành hệ thống xử lý đơn sở hữu công nghiệp điện tử
23/01/2019
101 Lượt xem
Hệ thống WIPO IPAS có khả năng điều chỉnh linh hoạt, trích xuất thông tin giúp xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhanh hơn.
Ngày 22/1, tại buổi tọa đàm về thông tin sở hữu trí tuệ, trả lời câu hỏi của phóng viên VnExpress về những đổi mới trong công tác xử lý đơn, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết nhiều giải pháp được áp dụng trong đó có việc đưa vào vận hành hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử (WIPO IPAS).
Hệ thống do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hỗ trợ với nhiều ưu điểm nổi trội như khả năng điều chỉnh linh hoạt hơn, giao diện thân thiện, phù hợp với các chuẩn quốc tế và dễ dàng kết nối với các công cụ sẵn có khác của WIPO. Thông qua đó các cán bộ xử lý đơn sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xét duyệt, đối chứng thông tin.
Theo lộ trình, bắt đầu từ ngày 1/4 hệ thống IPAS mới sẽ áp dụng với các đơn kiểu dáng công nghiệp, cuối năm 2019 áp dụng với nhãn hiệu và đầu năm 2020 là đơn sáng chế, cuối năm 2020 hoàn tất dịch vụ công trực tuyến.Ông Phí cho biết, với hệ thống này giúp tốc độ xử lý đơn tăng hơn rất nhiều, tạo sự thay đổi trong thực tế. Cùng với đó quy trình xử lý đơn, xác lập quyền cũng cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng lượng đơn được xử lý trong bối cảnh đơn gửi vào năm sau tăng hơn năm trước trong khi năng lực xử lý có hạn, cơ sở vật chất, kỹ thuật xuống cấp
Năm 2018, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng cao (8,1%), trong đó đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tăng lần lượt là 12,8% và 28,3%. Lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tăng 9,2%, trong đó kết quả xử lý sáng chế và giải pháp hữu ích tăng cao, lần lượt là 12,8% và 28,3%. Cục đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam.
Hiện Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ (IP-Hub) trong các trường đại học, viện nghiên cứu cũng được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà khoa học, sáng chế thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp.