Năng suất trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp thể hiện ở việc sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào để tạo ra sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đầu ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và đạt mục tiêu tối đa hoá giá trị doanh nghiệp.
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế thực hiện các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận. Ảnh minh họa.
Giới chuyên gia phân tích, doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế thực hiện các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng qua thị trường nhằm mục đích sinh lời. Quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là quá trình kết hợp các yếu tố đầu vào để tạo ra yếu tố đầu ra là hàng hoá và tiêu thụ hàng hoá đó để thu lợi nhuận.
Trong nền kinh tế thị trường để có các yếu tố đầu vào đòi hỏi doanh nghiệp phải có lượng vốn tiền tệ nhất định. Với từng loại hình pháp lý, tổ chức, doanh nghiệp có phương thức thích hợp tạo lập số vốn tiền tệ ban đầu, từ số vốn ban đầu đó doanh nghiệp mua sắm máy móc thiết bị, nguyên vật liệu...
Sau khi sản xuất xong, doanh nghiệp thực hiện bán hàng hoá và thu được tiền bán hàng. Từ số tiền bán hàng, doanh nghiệp sử dụng để bù đắp các khoản chi phí vật chất đã tiêu hao, trả tiền công cho người lao động, các khoản chi phí khác, nộp thuế cho nhà nước và phần còn lại là lợi nhuận sau thuế. Từ số lợi nhuận sau thuế này, doanh nghiệp tiếp tục phân phối thông qua việc trích lập các quỹ.
Như vậy, quá trình hoạt động của doanh nghiệp cũng là quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ hợp thành hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Trong quá trình đó đã làm phát sinh, tạo ra sự vận động của các dòng tiền (cash flows) bao gồm dòng tiền vào, dòng tiền ra gắn liền với hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh thường xuyên hàng ngày của doanh nghiệp.
Theo quan điểm chung, năng suất được hiểu là mối quan hệ giữa đầu ra và đầu vào được sử dụng để hình thành đầu ra đó, cụ thể là kết quả đầu ra trên mỗi đơn vị đầu vào. Tuy nhiên, do bản chất của tài chính doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị nảy sinh gắn liền với tạo lập, sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy năng suất trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp cũng cần được tiếp cận trên góc độ giá trị.
Cụ thể, năng suất trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp thể hiện ở việc sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào để tạo ra sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đầu ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và đạt mục tiêu tối đa hoá giá trị của doanh nghiệp.
Cải thiện năng suất giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm thiểu chi phí từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận. Ảnh minh họa.
Với doanh nghiệp, đầu ra được tính bằng giá trị của khối lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, theo tổng giá trị sản xuất - kinh doanh hay theo giá trị gia tăng, trong đó giá trị gia tăng là đầu ra chủ yếu để tính toán, đánh giá và cải tiến năng suất. Đầu vào được tính theo các yếu tố tham gia để tạo ra các kết quả của đầu ra như: lao động, nguyên vật liệu, năng lượng, thiết bị máy móc, vốn, nguồn lực khác như kỹ năng quản lý.
Trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, cải thiện năng suất giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm thiểu chi phí từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Có thể kể đến một số đặc điểm của năng suất trong lĩnh vực tài chính như sau: Sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động; Tập trung vào gia tăng tốc độ luân chuyển vốn; Gia tăng tỷ suất sinh lời; Giảm lãng phí trong mọi hình thức; Nguồn nhân lực và khả năng tư duy của con người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đạt năng suất cao hơn và hành động là kết quả của quá trình tư duy; Tăng năng suất đồng nghĩa với sự đổi mới và cải tiến liên tục;…