Quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nơi có thời tiết rất khắc nghiệt, nắng nóng và khô hạn. Vì thế cây xanh bóng mát có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Nơi đây chỉ trồng được một số loại cây đặc biệt có khả năng chịu đựng đƣợc điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng san hô và nước mặn như: bàng vuông, tra, phong ba, dừa, mù u, bão táp, phi lao... Mặc dù có sức chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng trong những năm gần đây chúng đang bị một số loại sâu bệnh gây hại nặng. Theo điều tra thực địa của Viện Bảo vệ thực vật, trong các năm gần đây, trên một số đảo lớn của quần đảo Trường Sa như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn có 3 loại sâu hại nguy hiểm đó là: Sâu ăn lá bàng vuông, rệp sáp giả hại cây tra, bọ cánh cứng hại dừa sâu hại lá phong ba. Trên cây bàng vuông và cây phong ba thời kỳ cao điểm của sâu ăn lá gây hại làm cho cây không còn lá, chết cành. Cây tra bị rệp sáp gây hại dẫn tới rụng lá và không ra hoa kết trái. Trên cây dừa bị đối tượng bọ cánh cứng phá hại nghiêm trọng, có thời điểm mật độ lên đến trên 100 con/cây. Nguy hiểm hơn chúng gây hại ở đọt non làm cây dừa khô héo cả ngọn, lá không phát triển được và lâu ngày làm chết cây, ảnh hưởng lớn đến không gian xanh mát và khả năng ngụy trang trên đảo.
Để phòng trừ các đối tượng này lực lượng chức năng trên đảo đã sử dụng nhiều biện pháp như bắt sâu, ngắt lá, phun nước vôi hòa cùng thuốc diệt côn trùng (thuốc được bảo đảm từ đơn vị quân y trên đảo), phun thuốc trừ sâu hòa cùng nước rửa chén chống rệp... Tuy vậy, hiệu quả rất hạn chế, không khắc phục được hiện trạng sâu bệnh phát triển, lây lan. Có một số nguyên nhân gây nên thực trạng trên: Thứ nhất chúng là các đối tượng có sức sinh sản lớn cộng với đặc điểm hình thái và vị trí cư trú khiến chúng có thể né tránh được với các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh và thuốc trừ sâu. Rệp sáp giả có một lớp sáp có thể ngăn thuốc trừ sâu thấm vào cơ thể. Bọ cánh cứng với đặc điểm cư trú trong các đọt non dừa ở hầu hết thời gian vòng đời của chúng. Sâu ăn lá bàng vuông làm tổ kén tại các vị trí gân lá và chủ yếu gây hại ở mặt sau của lá. Do đó chúng có khả năng chống chịu cao với các tác động của ngoại cảnh biển đảo. Thứ hai, hầu hết đây là các đối tượng nhập cư, sống trong hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học không cao, điều kiện khắc nghiệt nên số lượng thiên địch rất ít. Vì vậy chúng có thể tự do nhân lên số lượng và gây hại mạnh mà không gặp cản trở lớn nào.
Các biện pháp bảo vệ thực vật hiện đang áp dụng phổ biến trên đảo vẫn là biện pháp đơn lẻ, trong đó chủ yếu là sử dụng hóa học, phun định kỳ, phun thường xuyên. Nhiều công trình khoa học liên quan đều có nhận định rằng biện pháp hóa học tuy mang lại hiệu lực phòng trừ nhanh, nhưng chi phí cao và dễ gây tái lập mật độ quần thể, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Do vậy muốn nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh trên cây trên đảo Trường Sa cần phải áp dụng các giải pháp tổng hợp, trên cơ sở tối ƣu các biện pháp đơn lẻ, linh hoạt áp dụng các biện pháp (thủ công, cơ giới, sinh học, hóa học) theo từng thời kỳ phát triển của cây, điều kiện khí hậu và sự hiểu biết về các loài dịch hại.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài TS. Hà Minh Thanh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Bảo vệ thực vật thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng chống tổng hợp các loại sâu bệnh chính hại cây xanh che bóng trên Quần đảo Trường Sa” với mục tiêu: Xây dựng được quy trình phòng chống tổng hợp các loại sâu bệnh chính hại cây xanh che bóng trên quần đảo Trường Sa an toàn, hiệu quả và bền vững.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Xác định được thành phần và mức độ gây hại của các loài sâu hại và thiên địch của chúng trên cây xanh che bóng trên quần đảo Trƣờng Sa bao gồm 28 loài sâu hại phổ biến: 7 loài sâu hại trên cây bàng vuông (rệp vẩy nâu, rệp trắng, rệp vẩy, sâu hại lá, sâu róm và bọ trĩ), 4 loài sâu hại trên cây dừa (bọ cánh cứng, sâu cuốn lá, rệp trắng, rệp vẩy) và 11 loài sâu hại phổ biến trên cây tra (rệp muội, rệp sáp giả, rệp sáp giả vằn, ve sầu, rầy xanh hai chấm, sâu hại lá, xén tóc, bọ cánh cứng, bọ trĩ, châu chấu và nhện đỏ) và trên các cây trồng khác có 8 loài. Trong các loại sâu hại đã điều tra đƣợc thì sâu hại lá bàng vuông Copamyntis ceroprepiella, bọ cánh cứng hại dừa Brontispa longissima, rệp sáp giả Dysmicoccus neobrevipes hại cây tra là các đối tượng gây hại chính trên cây xanh che bóng tại quần đảo Trường Sa của nước ta.
Xác định được thành phần và mức độ gây hại của các loài VSV gây bệnh trên cây xanh che bóng trên quần đảo Trường Sa gồm: 2 loài VSV gây bệnh trên cây bàng vuông (cháy lá, đốm lá, khô cành), 2 loài bệnh trên cây dừa (thối đọt, đốm cháy lá) và 1 loài bệnh trên cây tra (cháy lá sinh lý) và một tác nhân gây bệnh trên cây mù u (thối mạnh chảy nhựa cành).
Đã thiết lập và bảo quản 1 bộ mẫu chuẩn các loài sâu bệnh hại và thiên địch (mẫu khô, mẫu ngâm dung dịch bảo quản, mẫu tiêu bản và nguồn gen vi sinh vật sống). Bộ mẫu hiện đang được lưu giữ và được bảo quản lâu dài tại Viện Bảo vệ thực vật là cơ sở giới thiệu thành phần vi sinh vật trên cây che bóng tại quần đảo Trường sa của nước ta và giúp cho các nhà khoa học thực hiện các tra cứu, nghiên cứu trong tương lai
Có kết quả nghiên cứu đặc điểm hình thái, sinh học của 4 loài sâu hại và 1 loài bệnh hại chính trên cây xanh che bóng trên quần đảo Trường Sa trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Viện Bảo vệ thực vật và điều kiện thực tế tại 1 số đảo chính của quần Đảo Trường sa: + Sâu hại lá bàng vuông (C. ceroprepiella) có vòng đời trung bình 33,1 ngày. Trưởng thành đực có thời gian sống trung bình 7,2 ngày. Trưởng thành cái có thời gian trung bình 5,6 ngày. Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ trung bình khoảng 100 trứng. Tỉ lệ nở của trứng sâu hại lá bàng vuông trung bình trên 73%.
BCCHD (B. longissima) có vòng đời trung bình là 56,2 ngày. Gồm 4 pha phát dục với thời gian trung bình các pha là: phan trứng 3,9 ngày, ấu trùng trải qua 5 tuổi với thời gian 27,8 ngày, nhộng 4,9 ngày và trưởng thành 19,6 ngày.
Rệp sáp giả (D. neobrevipes): Rệp cái có 3 pha (trứng, rệp non và trưởng thành) và rệp đực có 4 pha (trứng, rệp non, nhộng và trưởng thành); thời gian trứng trung bình 65,5 - 72,5 phút; thời gian rệp non trung bình từ 5,6 - 7,9 ngày; trưởng thành cái 17,5- ngày; nhộng đực 3,1 ngày; trƣởng thành đực 1,3 ngày; vòng đời 28 ngày; đời của rệp cái 36,5 ngày và đời của rệp đực 16 ngày. Sức đẻ trứng của 1 trưởng thành cái đẻ trung bình là 121,1 trứng, một ngày đẻ trung bình 15,2 trứng và thời gian đẻ trứng là 12,5 ngày.
Sâu Utetheisa inconstans hại cây phong ba, có thời gian trứng là 3,05 ngày; sâu non có 5 tuổi, các tuổi có thời gian phát dục dao động từ 3,45 – 5,35 ngày; thời gian vòng đời là 34,95 ngày. Trưởng thành đực có thời gian sống là 4,00 ngày và đời là 38,95 ngày; trưởng thành cái có thời gian sống là 8,15 ngày và đời là 43,10 ngày. Sức đẻ trứng của một trưởng thành cái là 38,4 trứng/ngày với tổng số trứng trung bình là 181,9 trứng/con cái; thời gian đẻ kéo dài là 6,15 ngày.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20717/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia..
Nguồn: NASATI