Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng cây Tô hạp điện biên (Altingia siamensis Craib) cung cấp gỗ lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc
27/03/2025
5 Lượt xem
Phát triển rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu của kinh doanh rừng trồng sản xuất hiện nay bởi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình do giảm chi phí trồng mới, giảm công lao động, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất do kéo dài chu kỳ kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cũng đã ban hành danh mục các loài cây trồng rừng chính cho các tỉnh miền núi phía Bắc như Vối thuốc, Sa mộc, Mỡ, Lát hoa, Giổi xanh… và cũng đã có một số nhiệm vụ nghiên cứu trồng rừng gỗ lớn cũng đã và đang thực hiện trong những năm gần đây nhằm lựa chọn loài cây trồng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật gây trồng nhằm phục vụ trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất và chất lượng rừng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, số lượng loài cây trồng bản địa phục vụ trồng rừng tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn khá ít, đặc biệt các tỉnh Tây Bắc, chính vì thế cần tiếp tục đánh giá, nghiên cứu và lựa chọn thêm loài cây trồng rừng gỗ lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tô hạp điện biên là cây gỗ lớn, phân bố tự nhiên khá rộng ở nước ta, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là cây đa tác dụng, có giá trị kinh tế về gỗ, lá Tô hạp điện biên còn được dùng trong ẩm thực chế biến các món ăn của người dân tộc Thái, nhựa của cây Tô hạp điện biên được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, y học cổ truyền. Cây Tô hạp điện biên sinh trưởng khá nhanh ngoài tự nhiên, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết, lập địa khắc nghiệt; tại tỉnh Sơn La và Điện Biên cây Tô hạp điện biên là cây gỗ lớn được khuyến khích trồng rừng nên loài cây này có nhiều tiềm năng phát triển trồng rừng cung cấp gỗ lớn.
Mặc dù với nhiều ưu điểm và tiềm năng phát triển như đã nêu ở trên, cây Tô hạp điện biên vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, phát triển, hiện tại mới chỉ có một số nghiên cứu về mô tả đặc điểm hình thái và thăm dò về kỹ thuật nhân giống, các nghiên cứu sâu về đặc điểm lâm học cho đến chọn giống, nhân giống, kỹ thuật trồng rừng chưa được tiến hành, do đó thiếu các cơ sở khoa học để khuyến cáo phát triển mở rộng trong sản xuất.
Xuất phát từ những vấn đề trên, Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Văn Hùng cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng cây Tô hạp điện biên (Altingia siamensis Craib) cung cấp gỗ lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc” với mục tiêu bước đầu chọn giống và xác định được kỹ thuật nhân giống, trồng rừng làm cơ sở phát triển trồng rừng Tô hạp điện biên cung cấp gỗ lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Tô hạp điện biên phân bố tự nhiên ở nơi đất ẩm, ven hồ xã Pá khoang, tập trung ở độ cao từ 900 m đến dưới 1000 m so với mực nước biển, độ dốc từ 15-19 độ; Tô hạp điện biên chiếm ưu thế trong các trạng thái rừng với hệ số IV% dao động từ 8,7 - 16,8%; Tô hạp điện biên xuất hiện ở cả 3 tầng tán với số lượng ít và phần lớn các cây tập trung ở tầng tán chính; Trong rừng tự nhiên thường bắt gặp Tô hạp điện biên cùng các loài Dẻ mũi mác, Chẹo tía, Dẻ gai lá bạc.
- Đề tài đã tuyển chọn được 30 cây trội Tô hạp điện biên từ rừng trồng (trồng năm 2009) đảm bảo theo Tiêu chuẩn Quốc Gia TCVN 8755:2017- Giống cây Lâm nghiệp - Cây trội; Các cây trội có đường kính trung bình của cây trội Tô hạp điện biên là 21,83 cm, chiều cao vút ngọn của cây trội trung bình là 15,1 cm, chiều cao dưới cành trung bình của cây trội là 9,1m.
- Đã nghiên cứu kỹ thuật tạo cây con Tô hạp điện biên từ hạt thông qua 2 nghiên cứu nhân giống: Nghiên cứu kỹ thuật xử lý hạt giống (CT2: Ngâm hạt trong nước âm 40 độ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất, theo dõi trong 30 ngày tỷ lệ nảy mầm đạt 58%); nghiên cứu ảnh hưởng của hỗn hợp ruột bầu đên sinh trưởng của cây con ở giai đoạn vườn ươm (CT3: 85% đất tầng mặt + 5% phân chuồng hoai + 5% phân lân nung chảy + 5% tro mía, cho tỷ lệ sống và sinh trưởng về đường kính và chiều cao tốt nhất);
- Bố trí được 2 công thức thí nghiệm trồng rừng là trồng rừng nơi đất trồng và trồn làm giàu rừng theo đám, mỗi thí nghiệm 0,6 ha; ở các thí nghiệm cho kết quả tỷ lệ sống đạt từ 93-94,5%, tăng trưởng bình quân chung/năm về chỉ tiêu đường kính đạt từ 0,71cm đến 1,58 cm; tăng trưởng bình quân chung/năm về chỉ tiêu chiều cao vút ngọn đạt từ 0,7m đến 1,11m;
- Đề tài cũng đánh giá sinh trưởng của cây Tô hạp điện biên trồng năm 2008 và trồng năm 2015 để có cơ sở so sánh, đánh giá với thí nghiệm trồng rừng của đề tài; qua kết quả nghiên cứu bước đầu đánh giá loài cây Tô hạp điện biên sinh trưởng khá nhanh và là cây tiềm năng có thể nghiên cứu mở rộng trồng rừng gỗ lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20718/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.