Cây sầu riêng (Durio zibethinus L.) là một trong những cây trồng quan trọng trong hệ thống cơ cấu cây trồng nông nghiệp ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Thịt quả sầu riêng có giá trị dinh dưỡng cao, trong mỗi 100g thịt quả tươi cung cấp 84 -185 kcal, 15,65 -34,65g carbohydrate, 1,4 -3,5g protein, 1,59 - 5,39g chất béo, ngoài ra còn chứa các vitamin và khoáng chất khác. Ngành công nghiệp về chế biến quả sầu riêng ở nước ta cũng đang được quan tâm và phát triển. Trong những năm gần đây, giá trị kinh tế của cây sầu riêng tăng đáng kể do nhu cầu ngày càng lớn của thị trường trong nước và một lượng lớn sầu riêng được xuất khuẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (sắp tới sẽ theo đường chính ngạch). Siêu lợi nhuận mang lại từ cây sầu riêng đã dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng diện tích trồng mới sầu riêng hàng năm ở nhiều địa phương. Theo số liệu thu thập từ Tổng cục thống kê, Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, tổng diện tích đất trồng sầu riêng của Việt Nam năm 2020 khoảng 70 nghìn ha, chiếm khoảng 6,2% diện tích cây ăn quả của cả nước, trong đó diện tích trồng mới là 15,7 nghìn ha. Diện tích sầu riêng của Tây Nguyên khoảng 27 nghìn ha, chiếm 30% diện tích sầu riêng cả nước, riêng tỉnh Đắk Lắk là gần 12,224 nghìn ha. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk rất phù hợp đối với cây sầu riêng. Đặc biệt, cây sầu riêng có thể trồng xen canh với cà phê nên quỹ đất trồng sầu riêng là rất lớn. Những điều kiện thuận lợi này đã mang lại tiềm năng để phát triển cây sầu riêng trong tương lai.
Mặt khác, khi diện tích trồng sầu riêng được mở rộng một cách nhanh chóng là cơ hội cho sâu bệnh phát triển phong phú về chủng loại lẫn số lượng. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm giảm năng suất và chất lượng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh trồng sầu riêng của khu vực Tây Nguyên nói chung. Trong các đối tượng sâu bệnh hại trên sầu riêng thì bệnh do nấm Phytophthora gây ra là một trong những bệnh gây thiệt hại nặng nhất ở các vùng trồng sầu riêng của thế giới và Việt Nam. Nấm Phytophthora gây bệnh gây tàn rụi, thối quả, thối thân, thối gốc và thối rễ sầu riêng. Bệnh thán thư trên lá do nấm Colletotrichum gây ra cũng là một trong những bệnh phổ biến trên sầu riêng. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra trước đây của một số tác giả cũng đã cho thấy, cây sầu riêng ở nước ta cũng bị gây hại bởi nhiều loài sâu hại khác nhau, bao gồm 8 loại sâu hại (rầy nhảy, sâu đục cành, rệp sáp, sâu đục quả, sâu đục bông, bọ trĩ, bọ phấn và nhện nhỏ). Trong đó, loài rầy nhảy và sâu đục quả là những sâu hại chính. Cả 2 loài sâu hại này đều ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển và năng suất của cây.
Đặc biệt, đầu năm 2017 đã xảy ra dịch bệnh héo ngọn, chết cây sầu riêng gây thiệt hại nghiêm trọng ở các vùng trồng sầu riêng trọng điểm của khu vực Tây Nguyên. Riêng huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, bệnh héo ngọn gây thiệt hại 470 ha 2 sầu riêng. Nguyên nhân gây bệnh héo ngọn chết cây đang được quan tâm và nỗi lực quản lý bệnh đang được tiến hành nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đã có một số nghiên cứu về thành phần sâu bệnh cũng như tác nhân gây bệnh khô cành, chết cây sầu riêng ở nước ta được thực hiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu toàn diện, chi tiết về thành phần sâu bệnh hại, sự phân bố, diễn biến phát sinh gây hại cũng như biện pháp phòng chống bệnh này trên sầu riêng ở Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyên Vn Liêm cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Bảo vệ thực vật thực hiện “Nghiên cứu giải pháp khoa học và công nghệ tổng hợp phòng trừ bệnh héo ngọn chết cây và một số sâu bệnh chính hại sầu riêng tại Đắk Lắk và một số tỉnh vùng Tây Nguyên” với mục tiêu xây dựng được các giải pháp khoa học công nghệ phòng trừ tổng hợp bệnh héo ngọn, chết cây và một số sâu, bệnh chính hại sầu riêng tại Tây Nguyên.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Xác định được 10 loại bệnh thường gặp và gây hại chính trên cây sầu riêng tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Trong đó, bệnh xì mủ do nấm P. palmivora và bệnh héo ngọn do nấm D. durionigena gây ra là những bệnh hại chính. Nấm D. durionigena là loài nấm mới và lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam.
- Xác định được 21 loài sâu hại sầu riêng tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Đối tượng sâu hại quan trọng nhất là rệp sáp bột hai tua dài Ferrisia virgata, rầy nhảy Allocaridara maleyensis và sâu đục quả Conogethes punctiferalis.
- Thời kỳ đỉnh cao của bệnh xì mủ vào các tháng 8, 9 và 10. Đỉnh cao của bệnh héo ngọn vào các tháng 11, tháng 12 và tháng 1 năm sau. Rầy nhảy và rệp sáp bột hai tua dài phát triển mạnh nhất vào tháng 2 và tháng 3 hàng năm, trong khi sâu đục quả phát triển mạnh vào tháng 3 và tháng 8.
Phổ ký chủ của tác nhân gây bệnh xì mủ gồm sầu riêng, mít và ca cao; bệnh héo ngọn gồm sầu riêng và cà phê; bệnh thán thư gồm sầu riêng, cà phê, bơ và măng cụt; bệnh đốm rong gồm sầu riêng, cà phê, bơ, hồ tiêu và măng cụt; bệnh thối rễ vàng lá gồm sầu riêng và hồ tiêu.
- Xác định được 25 loài cây ký chủ của sâu đục quả và 12 loài ký chủ của rệp sáp bột hai tua dài. Xác định được 31 loài thiên địch của sâu hại sầu riêng tại Đắk Lắk.
- Sâu đục thân và mọt đục cành là là một trong những nguyên nhân gia tăng sự xâm nhiễm của nấm P. palmivora gây bệnh xì mủ sầu riêng. Rầy nhảy là nhân tố giúp phát tán bào tử nấm D. durionigena gây bệnh héo ngọn sầu riêng.
- Các biện pháp canh tác tổng hợp mang lại hiệu quả giảm bệnh xì mủ và héo ngọn từ 42,9% - 71,6% so với đối chứng.
- Các giống sầu riêng đang trồng phổ biến hiện không có khả năng chống chịu cao với bệnh héo ngọn, xì mủ (tỷ lệ bệnh > 70%) và các sâu hại chính.
- Chế phẩm sinh học Trichoderma hạn chế bệnh xì mủ trên 60%. Sự kết hợp đa dạng các chủng vi sinh vật đối kháng có khả năng hạn chế bệnh xì mủ cao hơn chế phẩm đơn lẻ đạt 65,0% - 67,9%. Chế phẩm sinh học có hiệu quả với bệnh héo ngọn thấp hơn so với bệnh xì mủ, đạt 52,4% -58,1% so với đối chứng.
- Thuốc sinh học Brightin 1.8 EC; Radiant 60SC có hiệu quả cao trong phòng chống rầy nhảy, chế phẩm sinh học ABT 2WP (Abamectin + Bacillus thuringiensis) hiệu quả trong việc phòng trừ rệp sáp bột hai tua dài.
- Các thuốc hoá học như Ridomil gold 68WP (20g/l, quét), Acrobat MZ 90/600 WP (20g/l, quét), và Agri-fos 400 SL (30-40ml/cây, tiêm) có hiệu quả giảm bệnh xì mủ >80% ngoài đồng ruộng. Thuốc Anvil 5SC (2ml/l) và Acrobat MZ 90/600 WP (2g/l) có hiệu lực giảm bệnh héo ngọn từ 78,1% - 83,9% khi áp dụng ngoài sản xuất.
- Thuốc hóa học Ascend 20SP, Penalty 40WP hiệu quả cao trong phòng trừ rầy nhảy. Thuốc Movento 150OD, Sida 20WP và thuốc Penalty 40WP có hiệu quả phòng trừ rệp sáp bột hai tua dài, rầy nhảy, sâu đục quả sầu riêng trên 80%. Đặc biệt khi phối trộn giữa thuốc sinh học và hóa học như: Movento 150OD) + Bitadin WP; Sida 20WP + Trắng xanh WP; Confidor 100SL + SK Enspray 99EC; Ascend 20SP) + Trắng xanh WP cho hiệu quả phòng trừ sâu hại chính trên sầu riêng đạt >90%.
- Đã xây dựng được 4 mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh héo ngọn và sâu, bệnh chính hại sầu riêng kinh doanh trồng xen, trồng thuần tại Đắk Lắk với quy mô 6,7 ha. Vườn mô hình giai đoạn kiến thiết và kinh doanh đạt có hiệu quả giảm bệnh xì mủ và bệnh héo ngọn từ 85,6% đến 88,9%; hiệu quả phòng trừ rệp sáp bột hai tua, sâu đục quả, rầy nhảy đạt 85 - 94%. Năng suất trên vườn mô hình kinh doanh tăng 17 - 18,7% và hiệu quả kinh tế tăng 17 - 19,9% so với đối chứng.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20760/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Nguồn: NASATI