Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật rải vụ thu hoạch một số cây ăn quả chủ lực vùng Nam bộ (thanh long nhãn chôm chôm sầu riêng và xoài) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu
16/04/2025
5 Lượt xem
Nam bộ là một trong những vùng sản xuất trái cây hàng hàng hoá quan trọng ở nước ta. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (2021) ước diện tích trồng cây ăn quả cả nước năm 2020 khoảng 1.33,8 nghìn ha, vùng Nam Bộ khoảng 505 nghìn ha, bằng 44,6% diện tích cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 377,7 nghìn ha và Đông Nam Bộ (ĐNB) khoảng 127,4 nghìn ha. Điều kiện khí hậu vùng Nam bộ phù hợp cho sản xuất nhiều cây ăn quả nhiệt đới. Tuy nhiên, hầu hết các loại quả nhiệt đới chủ lực của khu vực như thanh long, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và xoài có tính mùa vụ. Việc sản xuất và cung cấp trái cây theo mùa vụ tự nhiên, với sản lượng lớn tập trung vào một giai đoạn gây mất cân đối cung cầu và tạo sức ép lớn cho việc tiêu thụ thời điểm chính vụ. Sau vụ thu hoạch, có lúc lượng quả không đủ cho nhu cầu dẫn đến khan hiếm và giá cao. Sản xuất rải vụ (trái vụ, nghịch vụ) với việc bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với mùa vụ bình thường nhằm kéo dài giai đoạn sẳn có của trái cây trong năm góp phần giải quyết hạn chế của tính mùa vụ. Từ nhu cầu thực tế, sản xuất rải vụ đã được áp dụng nhiều năm nay tại các tỉnh thuộc vùng Nam bộ, qua đó nhiều loại trái cây nhiệt đới sẵn có nhiều tháng trong năm, đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, giảm áp lực dư thừa trái cây chính vụ.
Diện tích sản xuất rải vụ 5 cây ăn quả nêu trên tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến năm 2020, cây thanh long có diện tích sản xuất rải vụ khoảng 45,1 nghìn ha, cây xoài khoảng 11,2 nghìn ha, cây nhãn khoảng 8,1 nghìn ha, cây sầu riêng khoảng 6,3 nghìn ha và cây chôm chôm khoảng 3,1 nghìn ha. Theo Cục Trồng trọt (2020), để tổ chức sản xuất rải vụ bền vững bên cạnh việc cần hình thành những vùng trồng tập trung, sản xuất theo chuỗi, cần làm sao để sản xuất rải vụ ít ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả, sức khoẻ vườn cây và hạn chế rải vụ tập trung trong một giai đoạn dẫn đến xảy ra hiện tượng lượng trái cây dư thừa so với nhu cầu. Để thúc đẩy việc sản xuất rải vụ cho vùng Nam Bộ theo hướng bền vững, từ năm 2013 Bộ NN&PTNT đã có Quyết định 2819/QĐ-BNN-TCCB (năm 2013) qua đó thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ để điều hành chương trình rải vụ thu hoạch cây ăn quả chủ lực vùng Nam Bộ trong đó 5 loại quả ưu tiên tập trung là thanh long, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và xoài. Các tỉnh khu vực Nam bộ có sản xuất hàng hoá năm cây ăn quả nêu trên sẽ tham gia chương trình, bao gồm tỉnh Bình Thuận cho cây thanh long.
Mặc dù việc sản xuất rải vụ đã được thực hiện một thời gian khá lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa (XLRH) rải vụ cho 5 cây ăn quả chủ lực áp dụng cho nội vùng nhằm góp phần giải quyết các hạn chế trên. Qua quá trình sản xuất thực tế, một số nông dân có kinh nghiệm trong XLRH nghịch vụ có hiệu quả. Thêm vào đó, đã có nhiều nghiên cứu về XLRH được thực hiện từ các trường, viện và cơ quan chuyên môn. Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Mai Văn Trị cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện “Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật rải vụ thu hoạch một số cây ăn quả chủ lực vùng Nam bộ (thanh long nhãn chôm chôm sầu riêng và xoài) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” với mục tiêu Hoàn thiện được quy trình rải vụ đối với 5 đối tượng cây ăn quả chủ lực (thanh long, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, xoài) ở Nam Bộ nhằm tăng năng suất, chất lượNàn an toàn thực phẩm, tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Sản xuất rải vụ 5 loại trái cây gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, sầu riêng và xoài vùng Nam bộ giúp giảm áp lực khâu tiêu thụ, giá bán tốt hơn và lợi nhuận cao hơn 1,5 - 2 lần so với chính vụ. Sử dụng chất điều hoà sinh trưởng để xử lý ra hoa cho cây xoài và sầu riêng và xử lý thanh long ra hoa nhiều đợt trong năm ảnh hưởng đến sức khoẻ cây. Chưa có quy trình xử lý ra hoa, lịch rải vụ, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ được thống nhất cho vùng Nam bộ. Chưa gắn kết chặt chẽ trong sản xuất rải vụ giữa các địa phương; giữa sản xuất và tiêu thụ; kênh phân phối qua nhiều trung gian.
- Kết quả nghiên cứu bổ sung nhằm hoàn thiện quy trình cho thấy: Phun tán với NAA 30ppm + GA3 40ppm+ KNO3 2% + CaCl2 1% giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng quả thanh long. Biện pháp treo bẫy (15 - 20 bẫy/ha) protein thủy phân giúp kiểm soát hiệu quả ruồi đục quả thanh long, có thể thay thế cho biện pháp phun bã protein đang khuyến cáo. Phun tán CaCl2 hoặc Ca (NO3) 0,2 % thời điểm 15, 30, 45 và 60 ngày sau đậu quả giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng quả nhãn. Phun tán cây chôm chôm với K2SO4 1,5% + Mono-ammonium phosphate 0,75% thời điểm 10 - 13 tuần sau đậu quả giúp giảm bệnh cháy rìa (bìa) lá. Trên cây sầu riêng phun dung dịch tỏi 25% định kỳ 15 ngày/lần + quét dung dịch vôi lên thân cành 2 lần và tháng 6 và 9 giúp giảm giúp giảm mức độ gây hại của sâu đục thân Batocera. Phun thuốc luân phiên 5 lần vào lúc nhú chồi với mancozeb; lá non hình thành với azoxystrobin; lá chuyển màu đồng với cuprous oxide, phát hoa vừa nhú với azoxystrobin và quả đạt 5 cm với mancozeb kết hợp với biện pháp tỉa và tiêu hủy nguồn bệnh giúp đối phó hiệu quả với hai bệnh thán thư và đốm đen vi khuẩn hại xoài sản xuất rải vụ.
- Năm mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ cho cây thanh long, nhãn, chôm chôm, sầu riêng và xoài được thực hiện tại 5 điểm (quy mô 1 ha/mô hình) ở vùng Nam Bộ cho năng suất tăng hơn đối chứng từ 16,76 - 39,35% và lợi nhuận tăng 19,63 - 54,67%. Năm hội thảo đầu bờ với 150 người tham dự được tổ chức theo sau.
- Đã xây dựng được 05 lịch rải vụ và 05 quy trình xử lý ra hoa trái vụ cây thanh long, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và xoài ở vùng Nam bộ. Năm quy trình xử lý ra hoa trái vụ đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20770/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.