Nghiên cứu khả năng kích kháng bệnh thán thư của chủng nấm Penicillium citrinum CTND-2405 trên cây húng quế
19/02/2025
9 Lượt xem
Cây húng quế (Ocimum basilicum L.) thuộc họ Lamiaceae, có nguồn gốc từ châu Á và được trồng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, húng quế được dùng như loại rau gia vị phổ trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, húng quế cũng được dùng trong y học và chiết xuất tinh dầu. Trong quá trình canh tác, sự tấn công của bệnh thán thư hay còn gọi là bệnh đốm đen do nấm Colletotrichum spp. đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây húng quế và được ghi nhận là mầm bệnh quan trọng trên cây húng quế trong những năm gần đây. Hiện nay, việc phòng trị bệnh thán thư trên cây húng quế chủ yếu bằng biện pháp hóa học, biện pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sử dụng biện pháp hóa học trong thời gian dài và lạm dụng thuốc hóa học làm ảnh hưởng đến sự an toàn của nông sản, nguy cơ dẫn đến mầm bệnh kháng thuốc hóa học, các vấn đề về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, đất làm mất cân bằng hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sih học được xem là hướng đi đầy tiềm năng, đặc biệt là sử dụng các vi sinh vật có lợi đối kháng với các tác nhân gây bệnh trên cây trồng, kích thích cây trồng tăng trưởng và kháng lại mầm bệnh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nấm Penicillium spp. có khả năng ức chế và làm giảm sự nghiêm trọng của mầm bệnh trên cây trồng. Điều này liên quan đến phản ứng phòng vệ của cây khi được xử lý tác nhân kích kháng, thông qua sự tích tụ polyphenol có thể quan sát thấy trong mô thực vật khi được nhuộm với Toluidine Blue O (TBO) và hình thành callose tạo phản ứng phát huỳnh quang khi nhuộm với Aniline Blue, đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự xâm nhập và lan rộng của mầm bệnh.
Trong “Nghiên cứu khả năng kích kháng bệnh thán thư của chủng nấm Penicillium citrinum CTND-2405 trên cây húng quế”, do TS Huỳnh Hửu Trí, Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đứng đầu, chủng nấm Penicillium citrinum CTND-2405 được phân lập từ đất vùng rễ cây trồng đã được đánh giá khả năng kích kháng trên cây húng quế chống lại bệnh thán thư qua khảo sát cấu trúc mô lá và hiệu lực phòng trừ trong điều kiện nhà lưới.
Kết quả cho thấy, những chủng nấm vùng rễ được biết đến với khả năng đối kháng với các tác nhân gây bệnh thực vật, thúc đẩy tăng trưởng và kích thích cây trồng kháng bệnh. Nghiên cứu này đánh giá được tiềm năng ứng dụng của Penicillium citrinum CTND-2405 làm tác nhân kích kháng giúp cây húng quế (Ocimum basilicum L.) chống lại bệnh thán thư do Colletotrichum sp. gây ra. Hạt húng quế được ngâm 4 giờ trong huyền phù bào tử P. citrinum (106 cfu/ml) hoặc nước cất thanh trùng, có hoặc không có lây bệnh nhân tạo với nấm Colletotrichum sp. được ghi nhận sự tích tụ polyphenol và phản ứng huỳnh quang trong mô lá. Trong thí nghiệm nhà lưới, năm phương pháp xử lý đã được thử nghiệm: ngâm hạt bằng bào tử P. citrinum, ngâm trong nước cất thanh trùng, tưới bổ sung 10ml bào tử sau 3, 6 và 9 ngày sau khi trồng và nghiệm thức thuốc trừ bệnh hóa học. Kết quả ghi nhận, ngâm hạt húng quế bằng bào tử nấm P. citrinum sau đó lây bệnh nhân tạo đã ghi nhận sự tích lũy polyphenol và phát huỳnh quang vách tế bào sớm và nhiều hơn so với các nghiệm thức còn lại. Kết hợp ngâm hạt húng quế và tưới bổ sung bào tử nấm đã làm giảm tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh thán thư, hiệu quả giảm bệnh lên đến 59,92% so với nghiệm thức đối chứng.