Nghiên cứu thiết lập phản ứng nested-PCR ứng dụng trong chẩn đoán bệnh tiên mao trùng gây bởi loài Trypanosoma evansi trên ngựa
12/02/2025
20 Lượt xem
Bệnh tiên mao trùng (TMT) gây bởi các loài Trypanosoma brucei, Trypanosoma cruzi, Trypanosoma evansi, Trypanosoma congolense, Trypanosoma gambiense...trên hàng loạt các loài vật chủ bao gồm con người và các loài động vật. Ở Việt Nam, loài T. evansi được ghi nhận trên người, chó, trâu, bò và ngựa. Các nghiên cứu về bệnh TMT tại Việt Nam chủ yếu được tiến hành trên trâu và bò. Gần đây, việc phát triển chăn nuôi ngựa, đặc biệt là ngựa bạch tại khu vực phía Bắc, do việc chăn nuôi ngựa bạch mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc nấu cao ngựa. Tuy nhiên, song song với việc số con và số đàn tăng cao thì việc đối mặt với bệnh dịch cũng khá nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến bệnh ký sinh trùng đường máu do tiên mao trùng gây ra.
Để chẩn đoán bệnh, trước đây chủ yếu dựa vào phương pháp ký sinh trùng học như hematocrit và nhuộm Giemsa và các phương pháp huyết thanh học như CTF, IFAT, CATT, hay ELISA. Tuy nhiên do loài tiên mao trùng có kháng nguyên biến đổi bề mặt VSG (Variant Surface Glycose Protein) nên việc chẩn đoán xét nghiệm bệnh bằng phương pháp ký sinh trùng hay huyết thanh học gặp nhiều hạn chế. Gần đây, việc chẩn đoán bệnh bằng phương pháp sinh học phân tử sử dụng phản ứng PCR được áp dụng, khắc phục được các hạn chế này. Mặc dù vậy, với phương pháp PCR thông thường, việc cần phải giải trình tự gen để xác định loài gây tốn kém kinh phí và thời gian chờ kết quả lâu. Do đó, việc thiết lập phản ứng nested PCR (nPCR) bao gồm hai vòng phản ứng (pre-PCR và nested PCR) sử dụng hai cặp mồi đặc hiệu cho kết quả chẩn đoán bệnh qua hai vòng phản ứng PCR, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn nhiễm sớm với độ nhậy và độ đặc hiệu vượt trội là cần thiết. Đó là lý do nhóm nghiên cứu tại Viện thú y do TS. Đào Thị Hà Thanh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết lập phản ứng nested-PCR ứng dụng trong chẩn đoán bệnh tiên mao trùng gây bởi loài Trypanosoma evansi trên ngựa” trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Mục tiêu của đề tài là nhằm thiết lập được mẫu dương chuẩn (DNA T. evansi); thiết kế được 02 cặp mồi đặc hiệu chẩn đoán bệnh tiên mao trùng gây bởi loài T. evansi; và thiết lập quy trình phản ứng nested-PCR (nPCR) và xác định được độ nhạy và độ đặc hiệu của phản ứng nPCR.
Đề tài đã thu được các kết quả dưới đây:
- Đã thiết lập thành công 01 mẫu DNA T. evansi chuẩn (lọ 100 µL, hàm lượng 75 ng/µL); Đã thiết kế thành công hai cặp mồi đặc hiệu NTE-F1 & NTE-R1 cho phản ứng PCR (PCR lần 1) và NTE-F2 & NTE-R2 cho phản ứng nPCR; và hoàn thiện báo cáo về 02 cặp mồi đặc hiệu này;
- Đã xác định thành công độ nhạy và độ đặc hiệu của phản ứng nPCR thiết lập chẩn đoán phát hiện T. evansi trên ngựa là 100%; phản ứng nPCR có ngưỡng phát hiện T. evansi ở 5 fg/µL » 1 cá thể T. evansi; và hoàn thiện báo cáo về độ nhạy và độ đặc hiệu của phản ứng nPCR thiết lập;
- Đã thiết lập thành công quy trình phản ứng nPCR và viết thành Quy trình đề tài: “Quy trình phản ứng nPCR ứng dụng trong chẩn đoán bệnh tiên mao trùng gây bởi loài T. evansi gây bệnh trên ngựa phù hợp khuyến cáo của OIE”.
- Đã ứng dụng phản ứng nPCR thiết lập vào chẩn đoán phát hiện thành công T. evansi trên mẫu máu ngựa khi kết quả chẩn đoán có chỉ số tương đồng với phương pháp chẩn đoán chuẩn (tiêm chuột nhắt trắng) ở mức 98% (Kappa = 0,95; P < 0,0001) và hoàn thành báo cáo về kết quả ứng dụng phản ứng nPCR thiết lập vào chẩn đoán phát hiện T. evansi trên ngựa;
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23342/2023) tại Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.