Nghiên cứu ứng dụng phương pháp enzyme với lên men giúp tăng hiệu suất biến tính tinh bột
27/10/2022
77 Lượt xem
Tinh bột biến tính có mặt trong hầu hết các vật dụng quen thuộc hàng ngày với chúng ta, từ thực phẩm cho đến đồ trang điểm. Ngoài ra, tinh bột biến tính còn là nguyên liệu quan trọng với nhiều ngành công nghiệp, từ dệt nhuộm, sản xuất giấy cho đến khai khoáng… Trong sản xuất giấy, chúng được dùng làm chất phủ bề mặt, thành phần nguyên liệu giấy không tro, tã giấy… Ngoài ra, người ta còn ứng dụng trong dệt nhuộm, hồ sợi, tuyển nổi quặng, dung dịch nhũ tương khoan dầu.
Nhà máy chế biến tinh bột ở Tây Ninh. Nguồn: Báo Tây Ninh
Theo các chuyên gia, thị trường tinh bột biến tính toàn cầu đạt giá trị 9,36 tỷ USD vào năm 2016 và ước tính sẽ tăng lên 15,9 tỷ USD vào năm 2027. Là một trong những quốc gia xuất khẩu sắn, khoai và gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế lớn về sản xuất tinh bột biến tính. Tinh bột biến tính được chế biến từ tinh bột gốc, trong khi chúng ta có rất nhiều đơn vị trong nước sản xuất tinh bột gốc. Nếu một đơn vị trực tiếp sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột gốc thì riêng giá thành đã giảm được từ 6-8%
Dù có nguồn nguyên liệu tinh bột phong phú, các nhà máy sản xuất tinh bột biến tính với quy mô công nghiệp ở Việt Nam vẫn khá thưa thớt. Do vậy, lượng tinh bột biến tính hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước, chưa nói đến xuất khẩu. Trước thực tế trên, TS. Phạm Minh Nhựt và cộng sự trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã nghiên cứu và đưa quy trình sản xuất tinh bột biến tính kết hợp giữa men vi sinh và enzyme. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất tinh bột biến tính, đặc biệt kết hợp giữa phương pháp enzyme thủy phân và lên men sẽ tạo ra sản phẩm có độ an toàn cao, vừa tiết kiệm chi phí lại thân thiện với môi trường.
TS. Phạm Minh Nhựt và các cộng sự đã xây dựng thành công quy trình sản xuất tinh bột biến tính bằng enzyme kết hợp với lên men. Những ưu điểm của phương pháp này như hiệu suất cao, thân thiện với môi trường và dễ dàng mở rộng trên quy mô lớn, đã góp phần rút ngắn khoảng cách trên con đường chuyển giao công nghệ: Phương pháp này có thể triển khai ở điều kiện bình thường, không cần thiết bị máy móc phức tạp, quan trọng nhất là lên chủng men và enzyme. Hiện nay, giải pháp cũng nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp. TS. Phạm Minh Nhựt đang nghiên cứu chuyển giao cho một số đơn vị sản xuất tinh bột biến tính từ củ hoài sơn (củ mài), khoai lang…