Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá giám sát mức độ tiêu thụ năng lượng và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng
28/02/2025
8 Lượt xem
Năng lượng đóng một vai trò quan trọng và thiết yếu trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất có sử dụng nhiều năng lượng như lĩnh vực sản xuất VLXD. Chi phí về năng lượng thường chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí sản xuất VLXD. Để sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng phù hợp với các quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải xây dựng hệ thống theo dõi, quản lý, giám sát tiêu thụ năng lượng tại các cơ sở sản xuất VLXD để áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm đạt được mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng trong ngành sản xuất VLXD vào năm 2025 từ 5% - 7% và năm 2030 từ 8% - 10% so với hiện nay. Trên thế giới, các quốc gia thường xây dựng đường cơ sở về tiêu thụ năng lượng để làm công cụ theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia của các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng qua từng giai đoạn khác nhau.
Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chưa có thống kê một cách đầy đủ và đánh giá toàn diện về mức độ tiêu thụ năng lượng của các lĩnh vực sản xuất VLXD trong từng giai đoạn vừa qua, để qua đó đưa ra các giải pháp khả thi về sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng trong giai đoạn tiếp theo một cách thống nhất, liên tục trong thời gian tới. Do đó, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý nhà nước về mức độ tiêu thụ năng lượng và hiệu quả của các giải pháp tiết kiệm năng lượng của ngành sản xuất VLXD trong thời gian vừa qua, cũng như tổng kết các giải pháp sử dựng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ThS. Lê Đức Thịnh cùng các cộng sự tại Viện Vật Liệu Xây Dựng - Bộ Xây dựng đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá giám sát mức độ tiêu thụ năng lượng và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng”.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là mức độ tiêu thụ năng lượng (điện năng, nhiệt năng) của các lĩnh vực sản xuất VLXD có công đoạn nung sản phẩm, bao gồm xi măng; gạch gốm ốp lát; sứ vệ sinh; vôi; kính và gạch đất nung.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
- Mức tiêu thụ năng lượng (nhiệt năng, điện năng) của các doanh nghiệp sản xuất VLXD chủ yếu nói chung phụ thuộc vào công nghệ sản xuất đầu tư ban đầu; công tác quản lý, khai thác vận hành; tuổi đời thiết bị; công tác đầu tư, tu bổ thiết bị;…
- Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất VLXD đã tích cực áp dụng các biện phát tiết kiệm năng lượng như tăng cường quản lý nội vi; đầu tư lắp đặt biến tần điều khiển các động cơ công suất lớn trong dây chuyền sản xuất; đầu tư sửa chữa, bảo ôn lò nung; tăng cường sử dụng khí thải cho công đoạn sấy sản phẩm hoặc đốt nhiên liệu...
- Từ sản lượng sản xuất của 8 lĩnh vực sản xuất VLXD chủ yếu và mức tiêu hao nhiệt năng, điện năng điều tra, thu thập tại giai đoạn 2019-2021, có thể tính toán, xác định được tiêu thụ năng lượng tổng hợp (nhiệt năng + điện năng) quy đổi theo TOE, cũng như xây dựng Đường cơ sở tiêu thụ năng lượng của từng chủng loại sản phẩm VLXD nghiên cứu. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2020, tổng mức tiêu thụ năng lượng đã tăng từ 10,35 triệu TOE lên 14,68 triệu TOE. Dự báo đến năm 2025, dự kiến đạt 17,22 triệu TOE và đến năm 2030 dự kiến đạt 19,56 triệu TOE. Nguyên nhân tổng mức tiêu thụ năng lượng của ngành sản xuất VLXD tăng là do tăng sản lượng sản xuất các sản phẩm VLXD.
- Cơ cấu tiêu thụ năng lượng của 8 lĩnh vực sản xuất VLXD chủ yếu tại năm 2020 cụ thể như sau: ngành xi măng chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 67,4 %; ngành sản xuất gạch ceramic chiếm khoảng 10,8 %; ngành sản xuất gạch đất sét nung chiếm khoảng 6,3 %; ngành sản xuất kính xây dưng chiếm khoảng 5,9 %; ngành sản xuất gạch granite chiếm khoảng 5,0 %; ngành sản xuất vôi công nghiệp chiếm khoảng 3,5%; ngành sản xuất gạch cotto chiếm khoảng 0,7% và ngành sản xuất sứ vệ sinh chiếm khoảng 0,5%.
- Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất VLXD chủ yếu đều có nhu cầu tiếp tục thực hiện đầu tư đổi mới, nâng cấp trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm; sử dụng được các loại nhiên liệu có phẩm cấp thấp hơn; sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả hơn trong thời gian tới nhằm phát triển tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.
Nhóm đề tài kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam hướng dẫn phương pháp xác định mức tiêu hao nhiệt năng, điện năng của 08 lĩnh vực sản xuất VLXD chủ yếu để thống nhất cách thức thống kê, đo lường về mức tiêu hao năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất VLXD trên phạm vi toàn quốc; bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên để cập nhật, bổ sung CSDL về sản lượng sản xuất sản phẩm, các mức tiêu hao điện năng, nhiệt năng, để từ đó xây dựng được đường cơ sở tiêu thụ năng lượng tổng hợp nhằm đưa ra mức dự báo nhu cầu về năng lượng quốc gia đối với lĩnh vực sản xuất VLXD chủ yếu trong tương lai để cân đối cung cầu của toàn bộ nền kinh tế; đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác bố trí nguồn vốn; ưu đãi lãi vay; đơn giản hóa xét duyệt thủ tục đầu tư;… cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD chủ yếu nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và sử dụng năng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các dự án đầu tư mới, khi thẩm định công nghệ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương cần tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí quy định về mức tiêu hao năng lượng nhiệt năng, điện năng của từng loại hình sản xuất VLXD đã nêu tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 23413/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.