Nghiên cứu xây dựng mô hình thu và lưu giữ nước phục vụ cấp nước sạch hiệu quả cho vùng khô hạn khan hiếm nước Ninh Thuận - Bình Thuận
15/09/2020
231 Lượt xem
Nước sạch là một nhu cầu thiết yếu của người dân trong sinh hoạt và sản xuất Ngày 2/3/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng núi cao vùng khan hiếm nước” (gọi tắt là chương trình 264) với mục tiêu: Tìm kiếm các nguồn nước dưới đất có trữ lượng chất lượng phù hợp đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi cao vùng khan hiếm nước; Xây dựng một số mô hình công trình cấp nước đặc trưng phù hợp với điều kiện vùng núi cao vùng khan hiếm nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững an toàn. Để thực hiện mục tiêu thứ 2 trong chương trình, Bộ Khoa học Công nghệ được giao thực hiện 3 dự án: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng cao, vùng khan hiếm nước” gồm 6 đề tài cho các vùng đặc trưng trên cả nước. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thu và lưu giữ nước phục vụ cấp nước sạch hiệu quả cho vùng khô hạn khan hiếm nước Ninh Thuận - Bình Thuận” do GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện Khoa Học Thủy Lợi Việt Nam làm chủ nhiệm là 1 trong 6 đề tài của dự án trên, để đưa ra được giải pháp thu và lưu giữ nước (giải pháp thu gom nước mưa, nước mặt, chống thất thoát ra biển, chống thất thoát do bốc hơi, công trình khai thác nguồn nước kéo theo. Khoanh định được các cấu trúc địa chất thủy văn phù hợp có khả năng thu và lưu giữ nước phục vụ cấp nước trong vùng nghiên cứu.
Qua một thời gian thực hiện, nhóm đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ có dải đồng bằng hẹp, địa hình phức tạp, khí hậu nắng nóng, lượng bốc hơi lớn, khô hạn quanh năm. Hiện nay, hạn hán và nguy cơ hoang mạc hóa ở vùng nghiên cứu đang ngày càng nguy hiểm đối với đời sống xã hội và phát triển sản xuất của người dân địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Diện tích đất trống đang bị thoái hoá và hoang mạc hóa cũng đang diễn ra ở nhiều nơi trong khu vực do dó cần phải có các giải pháp đồng bộ (công trình, phi công trình) để hạn chế thiệt hại do hạn hán.
Đối với các mục đích sử dụng khác yêu cầu lượng nước lớn cần có kế hoạch đầu tư khai thác nguồn nước mặt, đã có một số giải pháp tình thế và dài hạn để khắc phục tình trạng hạn hán tại địa phương, như xây dựng các hồ chứa lớn (hồ Tân Mỹ 200 triệu m3, hồ Sông Lũy 10 triệu m3); rà soát các hồ chứa nước trên địa bàn, vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, ưu tiên cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, chủ động trữ nước, hạn chế thất thoát nước ra biển (ví dụ: đang xây dựng đập hạ lưu sông Dinh); rà soát, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước một số lưu vực sông quan trọng làm cơ sở quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước và quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn tài nguyên nước vốn hạn chế, v.v... song song với các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước ngầm cũng cần được nghiên cứu bảo vệ và khai thác theo hướng bền vững. Hiện tại nước ngầm đã được khai thác cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn 2 tỉnh, tuy nhiên, khai thác nước dưới đất mạnh mẽ đã có nơi vượt quá khả năng tái tạo của nước ngầm, khai thác không theo quy hoạch dẫn đến nhiều tác động xấu đến môi trường, trữ lượng nước ngầm ngọt cạn kiệt dần, nguồn nước ngầm bị mặn hóa.
Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp tổng thể giải quyết triệt để vấn đề thiếu nguồn nước sạch cho Tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nhất là những nơi khan hiếm nước , đề tài đã điều tra, khoanh định chỉ ra các vùng có cấu trúc chứa nước (vùng cát ven biển, vùng có trầm tích cuội sỏi chứa nước, vùng có cấu trúc đá nứt nẻ có khả năng chứa nước) trong phạm vi 2 tỉnh. Ứng với mỗi cấu trúc chứa nước, đề tài đề xuất các giải pháp công trình phù hợp để lưu giữ, chống thất thoát và giải pháp khai thác kèm theo. Cụ thể, với cấu trúc đá nứt nẻ đề tài kiến nghị giải pháp bổ cập làm giàu tầng chứa nước. Với trầm tích cuội sỏi, đề tài kiến nghị làm đập ngầm để chắn giữ, làm chậm. Với vùng cát ven biển, đề tài kiến nghị áp dụng giải pháp giếng tia, giếng khơi lấy nước thành bên.
Đề tài lần đầu tiên nghiên cứu việc thu gom nước mưa, nước mặt trên sườn dốc, khe suối đưa vào lòng đất để bổ sung trữ lượng cho nước dưới đất. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tạo ra tiền đề cho những nghiên cứu ứng dụng tiếp theo cho những vùng khác ở Việt Nam.
Đề tài đã đề xuất sáng chế “Hệ thống thu nước mưa trên mái đồi để bổ sung nhân tạo nước dưới 161 đất”, đã áp dụng mô hình thử nghiệm tại thôn 2, xã Mỹ Thạnh, h. Hàm Thuận Nam, t. Bình Thuận. công trình có quy mô 100m hào, thu được 0,44 lit/s (ứng với trận mưa 76mm/ngày) để đưa vào giếng bổ cập sâu 80m, khả năng hấp thụ của giếng 0,55 lít/s. Đã xây dựng thành quy trình thiết kế và thi công để có thể chuyển giao cho các công trình tương tự ở Nam Trung Bộ cũng như ở vùng khác trên đất nước.
Đề tài cũng lần đầu tiên xây dựng một đập ngầm có quy mô lớn, chiều dài 370m, chiều sâu đến 6 ~9m trong tầng trầm tích cuội sỏi, đá lăn. Sau khi xây dựng, chênh lệch mực nước trước và sau đập đo được từ 0,5 ~ 1,5m. Đảm bảo ổn định mực nước cho các giếng khai thác của nhà máy nước Mỹ Thạnh (công suất 80 m3/ngày) hoạt động ổn định suốt mùa khô 2018, không bị dừng 3 tháng như những năm trước đây.
Đề tài cũng đã xây dựng hướng dẫn lựa chọn công nghệ/vật liệu, định mức đơn giá sơ bộ để làm đập ngầm trong các điều kiện địa chất, địa chất thủy văn khác nhau (cát, cuội sỏi, đá lăn, đá nứt nẻ, có nước ngầm hay không có nước ngầm, chiều sâu từ 5m đến 40m,..) và các điều kiệc cụ thể để có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao (hiệu quả chắn giữ nước, giá thành hạ, thi công nhanh, thiết bị thi công thông dụng). Hiệu quả làm chậm, chống thất thoát của đập ngầm cũng đã được đánh giá công phu, bài bản, góp phần hoàn thiện phương pháp luận khoa học trong xây dựng các đập ngầm chống thất thoát nước, làm chậm dòng chảy, nâng cao hiệu suất của các giếng khai thác nước dưới đất ven sông, phòng chống sa mạc hóa. Về cơ bản đề tài đã hoàn thành mục tiêu và các nội dung nghiên cứu đã được duyệt. Kết quả mô hình thử nghiệm đã được bàn giao cho Trung tâm Nước SH&VSMT Nông thôn tỉnh Bình Thuận.
Trong hoàn cảnh tài nguyên nước đã ít lại phân bố không đồng đều trong năm, đề tài lần đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu việc thu gom nước mưa đưa vào lòng đất để lưu giữ sử dụng trong mùa khô và bổ sung trữ lượng cho nước dưới đất, lưu giữ, làm chậm, chống thất thoát nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tạo ra tiền đề cho những nghiên cứu ứng dụng tiếp theo cho những vùng khác ở Việt Nam. Hơn nữa, bằng những nghiên cứu thực nghiệm ở Nam Trung Bộ, đề tài đặt cái mốc cho sự hoà nhập của Việt Nam vào những vấn đề nóng hổi của địa chất thuỷ văn môi trường hiện đại trên thế giới. Việc nghiên cứu đánh giá cấu trúc địa chất thủy văn của tầng chứa nhóm đề tài hy vọng sẽ được hỗ trợ bằng những công cụ mới, kỹ thuật mới tiến bộ hơn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15480/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.