Nghiên cứu xử lý bùn đỏ - chất thải nguy hại thành gạch gốm xây dựng
30/07/2020
113 Lượt xem
Nhóm nghiên cứu Trường đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) thực hiện thành công đề tài chế tạo vật liệu xây dựng từ bùn đỏ phát sinh trong sản xuất alumin ở Tây Nguyên, tạo hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm.
Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng chế tạo vật liệu xây dựng từ bùn đỏ phát sinh trong công nghệ sản xuất alumin ở Tây Nguyên”.
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra giải pháp xử lý bùn đỏ thành gạch gốm xây dựng cần phải bổ sung phụ gia để cung cấp thêm cho hỗn hợp trước khi nung. Vật liệu phụ gia cần phải rẻ và dễ tìm để hạ giá thành gạch gốm xây dựng.
Nghiên cứu được thực nghiệm sản xuất thành công tại Nhà máy gạch Hiệp Hòa trong dây chuyền sản xuất gạch bằng lò tuynel với phối liệu gồm 80% bùn đỏ nhà máy alumin Tây Rai và 20% phụ gia là đất sét và cát xây dựng.
Nhiệt độ nung được lựa chọn trong khoảng 900 - 9500C, chế độ đốt bình thường như nung gạch đất sét. Các viên gạch gốm xây dựng được chế tạo có hình dạng, màu sắc như gạch đất sét nung, nhưng có tính chất cơ lý cao hơn gạch đất sét nung theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Kết quả thử nghiệm an toàn môi trường được tiến hành bằng phương pháp đo cường độ phóng xạ và quy chuẩn QCVN07:2009 đều cho thấy sự an toàn cao về môi trường của sản phẩm gạch gốm xây dựng được chế tạo.
Hiệu quả kinh tế của giải pháp xử lý bùn đỏ thành gạch gốm xây dựng xuất phát từ việc vật liệu chính của gạch gốm xây dựng là bùn đỏ (không mất chi phí).
Thiết bị sản xuất không khác nhiều so với các dây chuyền sản xuất gạch đất nung thông thường đang có ở Việt Nam, phụ gia bổ sung được khai thác tại địa phương với chi phí thấp. Như vậy, việc xử lý bùn đỏ thành gạch gốm xây dựng nếu thị trường đầu ra cho sản phẩm có tại địa phương, hoạt động sản xuất đã mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Việc áp dụng giải pháp xử lý bùn đỏ thành gạch gốm xây dựng ít nhất sẽ tiết kiệm số tiền mà Tập đoàn than và khoáng sản (TKV) phải cấp cho việc xây dựng mới hồ chôn bùn đỏ trung bình khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Giải pháp xử lý bùn đỏ thành gạch gốm xây dựng là xử lý triệt để nguy cơ ô nhiễm của chất thải bùn đỏ đối với môi trường và đời sống dân cư địa phương các tỉnh Tây Nguyên (đặc biệt là hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các tỉnh nằm ở hạ lưu các sông Đồng Nai và Serepok).