Tại cuộc thi giải pháp sáng tạo tiếp cận người khuyết tật (SDG Challenge 2019) vừa tổ chức đầu tháng 10 ở Hà Nội, khi anh Lê Huy Tích lên bục danh dự nhận giải cao nhất của cuộc thi trên chiếc xe lăn, cả hội trường như lắng lại. "Vì cũng là người khuyết tật nên tôi hiểu rõ những vấn đề họ gặp phải, đặc biệt là trong quá trình di chuyển. Tôi mong muốn sản phẩm đến với nhiều người già và người khuyết tật, giúp họ tự do di chuyển như người bình thường", anh Tích nói về chiếc xe lăn đầu kéo do mình chế tạo.
Anh Tích chế tạo xe lăn có phần đầu kéo riêng, dễ dàng lắp ghép với xe khác, giúp người dùng chủ động tháo lắp mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Đầu kéo bằng điện sử dụng pin giúp người dùng có khả năng di chuyển tối đa 60 km mới phải sạc lại. Đằng sau xe gắn thêm thiết bị giảm xóc để hạn chế rung lắc trong quá trình di chuyển. Khi không cần đi xa, người dùng có thể tách rời đầu kéo và di chuyển bằng bánh lăn.
Anh Lê Huy Tích trong ngày nhận giải SDG Challenge 2019.
Kể lại con đường đến với những sáng tạo, anh Tích cho biết mọi việc bắt nguồn từ việc vượt lên khó khăn của bản thân. Năm 2007, khi đang là cán bộ công tác tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, trên đường di chuyển xuống huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) anh bị tai nạn xe máy. Cú ngã khiến anh bị chấn thương cột sống, vỡ đốt D4, D5, dẫn đến liệt hoàn toàn hai chi dưới. Tai nạn xảy ra đúng thời điểm cơ quan chuẩn bị ký quyết định đưa anh về làm cán bộ nòng cốt của tổng công ty.Mọi dự định cho tương lai tạm khép lại.
Khoảng thời gian sau đó vô cùng khó khăn, phải mất một năm anh mới có thể ngồi vững. Ngồi trên xe lăn nhìn ra cuộc sống nhộn nhịp, sôi động, anh khao khát được trở lại hòa nhập với xã hội. Suy nghĩ không muốn phụ thuộc, trở thành gánh nặng cho gia đình nung nấu anh hàng ngày. Trong một lần đến trung tâm phục hồi thể chất bệnh viện Bạch Mai để hỏi mua chiếc xe lăn tự động, anh được báo giá là 76 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn. Anh tự hỏi tại sao không tự chế tạo đầu kéo xe lăn bằng điện?. Bằng những kiến thức chế tạo máy thủy anh được học khi còn làm việc tại nhà máy, anh lên bản vẽ và chia sẻ ý tưởng với những cộng sự của mình.
Cầm khoản tiền trợ cấp tai nạn và vay thêm ngân hàng, anh quyết định học thêm về chế tạo máy. Năm 2015 anh mở một cơ sở nhỏ để tiện cho việc sữa chữa và nghiên cứu. Người lành sửa chữa máy móc đã khó, với anh Tích lại càng khó khăn hơn. Không vì thế mà nản chí, anh tiếp tục mày mò tìm hiểu và chế tạo, cuối năm 2015, anh cùng cộng sự chế tạo thành công chiếc xe lăn đầu kéo điện đầu tiên dành cho người khuyết tật.
Xe lăn đầu kéo có thể tháo rời linh hoạt do anh Tích chế tạo. Ảnh: Nguyễn Xuân
Giá thành một chiếc xe lăn chỉ dao động từ 14-16 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá của một chiếc xe lăn tự động trên thị trường hiện nay. Chất lượng tốt mà giá sản phẩm hợp lý, xe lăn của anh Tích dần được mọi người biết tới. Tính từ năm 2016 đến nay, hơn 500 đầu xe được anh xuất đến hơn 12 tỉnh từ Yên Bái, Thái Bình, Nghệ An đến Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh.
Khi sử dụng xe, chị Nguyễn Thị Hoa (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) rất hài lòng. "Nhờ chiếc xe này, tôi có thể đi đón con, tự đi giao hàng, kiếm sống, trang trải cho bản thân mà không phải phụ thuộc vào người khác", chị Hoa nói.
Câu chuyện vượt lên số phận của anh Tích truyền cảm hứng tới nhiều người, đặc biệt là những người cùng hoàn cảnh. Nhiều người khuyết tật đã tìm đến cơ sở xin được anh đào tạo và học việc. Hiện nay, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu/tháng.
Thắng giải tại cuộc thi SDG Challenge 2019, anh nhận được số tiền 16.000 USD từ UNDP Việt Nam và chương trình hỗ trợ chuyên sâu từ Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia. Chương trình bao gồm các hoạt động kết nối mentor, hỗ trợ kết nối đầu tư và tư vấn cho startup bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Anh Tích cho biết sẽ mở thêm một cơ sở sản xuất ở Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người khuyết tật khác. Hiện nay, đã có một công ty chế tạo muốn hợp tác để sản xuất xe lăn đầu kéo điện với quy mô lớn.