Nhà khoa học đề xuất trả kết quả xét nghiệm Covid-19 theo mã QR-Code
08/07/2021
142 Lượt xem
Theo TS Đoàn Lê Hoàng Tân, thay vì trả kết quả giấy, nên cấp mã QR-Code cho từng người đã xét nghiệm Covid-19, tránh nguy cơ lây nhiễm virus.
Những ngày qua, nhiều tỉnh yêu cầu người dân đến từ TP HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 như một loại giấy "thông hành" ra vào tỉnh. Do nhu cầu đi lại làm việc, hàng nghìn người đã phải chen chúc chờ xét nghiệm và lấy kết quả.
Trước việc người dân tụ tập không đảm bảo giãn cách dẫn đến nguy cơ lây lan virus, TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TP HCM đề xuất giải pháp thay vì trả kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng giấy, chính quyền nên kiểm soát bằng QR-Code. Biện pháp này vừa hạn chế được tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, tránh nguy cơ cao truyền bệnh qua vật trung gian, bởi virus corona có thể tồn tại lên tới 24 giờ trên bề mặt giấy.
Giải pháp này được nhìn từ kinh nghiệm của Đà Nẵng. Hồi tháng 5, thành phố miền Trung đã thí điểm ứng dụng thẻ vào chợ bằng QR-Code. Thẻ QR-Code, với đầy đủ thông tin cá nhân, được phát cho người dân trên địa bàn. Người dân có thể lưu trữ thông tin ngay trên thiết bị di động, và cơ quan quản lý cũng dễ dàng tra cứu thông tin, truy vết người ra vào chợ.
Theo TS Tân, sau khi xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, bệnh viện và cơ sở y tế có thể gửi kết quả điện tử kèm QR-Code qua điện thoại di động. Người dân không phải đến tận nơi đợi kết quả trong tình trạng xếp hàng, chen lấn.
Các công ty, địa phương yêu cầu kết quả xét nghiệm để lưu thông đi lại, chỉ cần quét mã này. Một số thông tin cá nhân, ngày xét nghiệm, địa chỉ và kết quả xét nghiệm âm tính được cung cấp đầy đủ.
"Phương pháp này hạn chế tình trạng lây lan virus không rõ nguồn gốc, thành phố vẫn có thể quản lý tốt số lượng người xét nghiệm", TS Tân nói và lưu ý trên QR-Code cũng cần có thời hạn sử dụng nhất định (do cơ quan quản lý quy định), người dân cần tiếp tục đi xét nghiệm nếu muốn di chuyển tới vùng khác.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ thêm, ưu điểm của việc sử dụng QR-Code là cơ quan quản lý có thể tích hợp được thông tin người dùng với dữ liệu khai báo y tế. Vì vậy, trong trường hợp phát hiện F0, F1 sẽ truy vết rất nhanh. Tuy vậy, theo ông Thạch, vẫn còn một tỷ lệ người dân chưa thể áp dụng vì họ không dùng điện thoại thông minh.
Đến trưa 7/7, TP HCM vượt 8.000 ca nhiễm Covid-19. Các giải pháp đang thực hiện gồm truy vết, cách ly, biện pháp 5K, giãn cách xã hội, tiêm chủng diện rộng đang được triển khai nghiêm ngặt, đặc biệt là kiểm soát lượng ra vào thành phố.