Các nhà khoa học đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng trao đổi về các xu hướng nghiên cứu mới tại hội thảo "Vật lý thiên văn SAGI lần thứ 2 về phân cực bụi" diễn ra trong 5 ngày.
Hội thảo khai mạc hôm 27/11 và sẽ kết thúc vào ngày 1/12, thuộc khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 19, do Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức tại Bình Định.
Trong 5 ngày diễn ra hội thảo, các nhà khoa học Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Croatia, Đức... chia sẻ hướng nghiên cứu mới về bụi vũ trụ, sự phân cực của bụi, đo từ trường 3D bằng kỹ thuật bụi phân cực. Thông qua các kỹ thuật và xu hướng nghiên cứu mới các kết quả nghiên cứu mới cùng với các mô hình tính toán và quan sát được đưa ra giải quyết các vấn đề về bụi vũ trụ, sự phân cực của bụi.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc, Hàn Quốc (KASI), chuyên gia lĩnh vực phân cực bụi, cho biết phép đo phân cực (Polarimetry) được xem là "con mắt thứ ba" của loài người vào vũ trụ, bên cạnh trắc quang và quang phổ. Sự phân cực của bụi được quan sát bởi các đài quan sát mạnh mẽ nhất như ALMA, NOEMA, IRAM/Nika2-Pol, SOFIA... trải dài từ thiên hà đến môi trường liên sao, các đám mây phân tử, các vùng hình thành sao và hình thành hành tinh cho đến các đĩa vụn và lớp vỏ của các ngôi sao "sắp chết".
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm chia sẻ về các tiến bộ gần đây trong vật lý phân cực bụi tại hội thảo. Ảnh: Trọng Nhân
PGS Thiêm cho hay, việc sử dụng lý thuyết nền tảng về sự phân cực bụi theo cả định tính và định lượng để mô hình số và mô phỏng các tính toán, nhằm tạo ra dữ liệu phân cực nhằm tổng hợp so sánh các kết quả đó với quan sát thực. "Sức mạnh tổng hợp của lý thuyết, tính toán và quan sát hứa hẹn phép đo phân cực bụi trở thành một chẩn đoán chính xác của vật lý thiên văn, có thể giúp giải quyết các câu hỏi lâu nay và có khả năng mở ra các biên giới mới của vật lý thiên văn", PGS Thiêm cho hay.
TS Nguyễn Trọng Hiền, Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa kỳ (NASA), trưởng nhóm Vật lý thiên văn SAGI, cho rằng hội thảo tạo cơ hội các nhà khoa học trong nước và quốc tế thảo luận về phân cực bụi. Đồng thời giúp nghiên cứu sinh trẻ, sinh viên tại Việt Nam tiếp xúc với các nhà khoa học quốc tế về Vật lý Thiên Văn.
Nhóm Vật lý Thiên văn (SAGI) được thành lập với ba thành viên đầu tiên là nhà khoa học người Việt gồm TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ, trưởng nhóm); TS Hoàng Chí Thiêm (Viện nghiên cứu khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc, Đại học khoa học và công nghệ Hàn Quốc) và TS Nguyễn Lương Quang (American University, tại Paris, Pháp), với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển vật lý thiên văn tại Việt Nam.
Nhóm hoạt động dưới sự quản lý của Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành IFIRSE, trực thuộc ICISE (Quy Nhơn, Bình Định) - nơi GS Trần Thanh Vân chủ trì xây dựng mong muốn trở thành ngôi nhà chung của các nhà khoa học. Hiện nhóm Vật lý Thiên văn SAGI đã sử dụng các thiết bị từ Đài Quan sát Thiên văn Quy Nhơn, đồng thời đang phát triển các thiết bị như quang phổ kế và phân cực kế cho các hoạt động nghiên cứu.