Nhà khoa học Việt có ba bằng sáng chế tại Hàn Quốc
07/01/2021
83 Lượt xem
Thời gian đầu học tiến sĩ, anh Thiện từng cảm thấy chán nản khi hướng nghiên cứu của anh và giáo sư hướng dẫn không giống nhau.
TS Huỳnh Thế Thiện (32 tuổi) theo đuổi hướng nghiên cứu chính là xử lý ảnh số. Năm 2014 khi đặt chân sang Hàn Quốc, anh được giao nghiên cứu về thị giác máy tính và xử lý dữ liệu lớn. Một hướng về khoa học máy tính, một hướng về ảnh kỹ thuật số, không hề trùng nhau. Anh bắt đầu cảm thấy thất vọng, rơi vào trạng thái chán nản suốt ba tháng đầu, thậm chí có ý định chuyển sang trường khác để nghiên cứu.
"Nếu tiếp tục làm trong phòng lab thì chỉ duy nhất mình làm hướng nghiên cứu về thị giác máy tính, nhưng nếu từ bỏ có thể sẽ ảnh hưởng tới uy tín của thầy giáo hướng dẫn và sinh viên Việt Nam", anh kể và quyết định tiếp tục làm tại phòng lab với hướng nghiên cứu khoa học máy tính, xem đây là thử thách đầu tiên phải vượt qua trong đời học tiến sĩ.
Xác định được hướng nghiên cứu cần theo đuổi, anh dành thời gian nhiều hơn trên phòng lab cho kịp tiến độ dự án, và tìm hiểu thêm các bài báo chuyên ngành, trau dồi kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Có những khi anh xin thầy giáo hướng dẫn ở lại phòng thí nghiệm để nếu có ý tưởng mới có thể thực hiện luôn mà không bị ngắt quãng.
TS Huỳnh Thế Thiện là tác giả của ba sáng chế tại Hàn Quốc về các thuật toán và phương pháp dùng để nhận dạng hành động con người trong camera. Ảnh: NVCC.
Anh nhận thấy kiến thức về dữ liệu lớn, thị giác máy tính đều có thể phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu xử lý ảnh. Đi sâu tìm hiểu, anh thử tìm cách ứng dụng AI để phát hiện và nhận dạng hành động của con người cho camera giám sát. Thành công của nghiên cứu giúp anh nhận được ba sáng chế được đăng ký ở Hàn Quốc.
"Hiện sáng chế này đã được áp dụng vào dự án chăm sóc sức khỏe, nhằm phân loại và phát hiện các hành vi bất thường của người bệnh", TS Thiện nói. Hai sáng chế còn lại được ứng dụng cho camera giám sát trong nhà, tìm ra các hoạt động vật lý (như đứng, ngồi, nằm, đọc sách).
Các sáng chế này được ứng dụng vào nền tảng xử lý dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe thông minh như thiết bị đeo thông minh có kết nối internet. Ngoài chức năng xử lý ảnh tại hệ thống trung tâm dựa trên AI, hệ thống có thể phân tích và đánh giá về sức khỏe người dùng, đưa ra các cảnh báo được gửi đến thiết bị cá nhân về hành vi có nguy cơ gây chấn thương.
Bằng việc lập trình các thuật toán trên mạng neural, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và học sâu (deep learning), TS Thiện đã tìm ra phương pháp, giúp tự động nhận điện hành vi của con người. Cụ thể, các hình ảnh thu từ camera được truyền về phòng điều khiển trung tâm. Tại đây dữ liệu được sao lưu với thông tin phụ để tạo thành các tập dữ liệu lớn phục vụ việc giám sát và phát hiện.
Trong các mô hình truyền thống, quá trình theo dõi hành vi thường được thực hiện bởi con người nên có nhiều hạn chế như không giám sát liên tục, dễ bỏ sót chi tiết hình ảnh. Vì vậy, việc ứng dụng AI, deep learning trong xử lý ảnh và video giúp tự động phát hiện nhận dạng các hành động thường ngày hoặc hành vi đáng ngờ. "Khả năng phát hiện chính xác lên tới 95%", anh Thiện nói.
TS Thiện đang là chủ nhiệm một đề tài dự án nghiên cứu cấp quốc gia tại Hàn Quốc. Anh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về cảnh báo sớm các hành vi nguy hiểm trong nhà với độ chính xác cao thông qua thuật toán học sâu (deep learning). Sau khi hoàn thiện dự án cấp quốc gia tại Hàn Quốc, anh dự định trở về nước và tiếp tục nghiên cứu phát triển các thuật toán khác không chỉ trong lĩnh vực xử lý ảnh, thị giác máy tính mà còn sang lĩnh vực thuyền thông và thông tin liên lạc.
"Tài sản" của TS Thiện hiện có là 58 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Nhìn lại quãng thời gian nghiên cứu tại Hàn Quốc, TS Thiện vẫn chưa quên những khó khăn ban đầu khi quyết định chuyển hướng. "Mặc dù thời gian đầu rất khó vượt qua, nhưng đổi lại bản thân có thêm những kiến thức mới sâu rộng hơn, làm dày kỹ năng nghiên cứu", anh chia sẻ. Năm 2020, anh Thiện là một trong 10 gương mặt trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng lĩnh vực Khoa học Công nghệ.