Thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, vụ hoa Tết 2024, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre triển khai các giống hoa nuôi cấy mô cho các hộ nông dân tại huyện Chợ Lách trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả cao.
Người dân trồng giống hoa cúc mâm xôi nuôi cấy mô đạt hiệu quả cao.
Vụ hoa Tết năm nay, ông Trịnh Minh Thống, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre nhận chuyển giao 1.000 cây giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô từ Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre để trồng thử nghiệm. Hiện nay, các cây cúc mâm xôi phát triển tốt cho hoa đẹp với tỷ lệ đạt hơn 95%, các chậu cúc mâm xôi đã được thương lái đặt mua từ rất sớm, ông Thống bán với giá 170.000 đồng cặp.
Ông Thống vui mừng chia sẻ, cây giống từ nuôi cấy mô có ưu điểm rất lớn kháng mầm bệnh, cây khỏe phát triển tốt, hoa nở đồng đều đẹp hơn. Ông Thống lý giải, trước đây người trồng hoa cúc mâm xôi sử dụng giống từ việc giâm, chiết cành từ các chậu cúc đã nở, do đó lượng lớn mần bệnh, sâu gây hại từ cây mẹ sẽ truyền lại cho thế hệ sau, lá và hoa đôi khi nở không đồng đều hoa nhỏ do bị thoái hóa giống.
Bên cạnh đó, người trồng sẽ tốn nhiều chi phí hơn để khác phục sâu, bệnh cho cây. Đối với trồng giống nuôi cấy mô, cây ít sâu, bệnh, lá to, bông nở đẹp, quan trọng chi phí chăm sóc giảm. Đều này làm tăng lợi nhuận cho người nông dân. Ông Thống chia sẻ, việc triển khai các giống nuôi cấy mô mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trồng hoa, vì hiện nay nguồn giống cung cấp cho người dân nhất là giống hoa cúc mâm xôi được sản xuất bằng cách chuyển từ năm này sang năm tiếp theo. Do đó, giống không đạt chất lượng, đều này hạn chế sản xuất của người dân.
Ông Đặng Văn Mi, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre cho hay, khi Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre triển khai các giống hoa nuôi cấy mô cho hợp tác xã cây giống hoa kiểng xã Long Thới, các hộ dân được hướng dẫn trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả cao. Cây giống đạt chất lượng vượt trội. Thời gian tới các hộ dân các hộ dân tiếp tục đặt hàng giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô để sản xuất.
Theo ông Đặng Văn Mi, hiện nay trước hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, người dân tại địa phương từng bước ứng dụng thay đổi tập quán sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh sử dụng các giống được sản xuất từ nuôi cấy mô, người dân đã áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến khác vào sản xuất như: sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước (thích ứng điều kiện hạn mặn xảy ra), áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường…giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre cho hay, tỉnh Bến Tre đang triển khai Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng. Hiện tại, Trung tâm xây dựng các quy trình nuôi cấy mô cây giống và các mô hình trình diễn các cây giống hoa kiểng chủ lực của tỉnh nhằm giới thiệu cho người dân các mô hình mới, hiệu quả từ đó nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của đề án nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bên cánh đó, trung tâm tổ chức tập huấn hỗ trợ người dân cách tiếp cận công nghệ mới, công nghệ số; cách kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện có góp phần phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI. Trong năm 2023, trung tâm xây dựng 2 mô hình trình diễn trồng cúc mâm xôi (5 điểm) và chuối (3 điểm) từ cây giống nuôi cấy mô cho người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm tiền đề cho người dân áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu...
Ông Nguyễn Quốc Trung chia sẻ, thông qua triển khai đề án, người dân trồng hoa tại Chợ Lách từng bước tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Người dân dần thay đổi được thói quen trong sản xuất truyền thống, chuyển sang sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, người dân tiếp cận thị trường tiêu thụ thông qua ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, giúp sản phẩm người dân tiêu thụ rộng rãi, tăng hiệu quả kinh tế.
Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 - 500 ha trên diện tích 1.500 ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng. Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.