Trong 20 năm qua, những thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi kết hợp được nhiều công đoạn băm, nghiền, trộn, ủ thậm chí là nấu chín thức ăn của nhà sáng chế Đinh Văn Giang (Sông Cái, Quảng Ninh) đã được nhiều khách hàng đặt mua.
Có lẽ, quá trình từ một người nông dân trở thành một nhà sáng chế không chuyên của ông Đinh Văn Giang cũng không khác những người “đồng nghiệp” của ông ở khắp các vùng nông thôn Việt Nam. Khi gia đình làm nghề nuôi lợn, mỗi ngày chứng kiến vợ băm bèo thái chuối cho đàn cả chục con, ông Giang luôn canh cánh suy nghĩ làm sao để có được cái máy nghiền thức ăn cho vợ đỡ khổ. Suy nghĩ đó bám lấy ông cho đến khi chợt nhìn chiếc máy xay sinh tố của Nhật có thể nghiền nhỏ các loại hoa quả thịt cá, ông liền liên tưởng đến giải pháp cho chính mình: tạo ra một chiếc máy to hơn, có thể xay mọi thức ăn cho vật nuôi trong nhà theo nguyên lý của chiếc máy xay sinh tố.
Hình ảnh chiếc máy chế biến thức ăn của ông Đinh Văn Giang. Nguồn: Báo QN.
Nghĩ là làm, ông đi khắp nơi mua động cơ, phụ kiện rồi tự tay gò hàn thùng tôn để làm ra chiếc máy đầu tiên với sức nghiền 40 kg nguyên liệu một lúc. Tất cả các loại thức ăn đưa vào máy từ thân chuối tới thân ngô, rau khoai lang, cám đến ốc cá, thức ăn thừa…. đều trở nên nhuyễn mịn trong vòng từ 3-4 phút và có thể cho vật nuôi ăn trực tiếp mà không cần nấu. Nhờ có chiếc máy, công việc cả ngày của vợ chỉ còn diễn ra trong 15 phút đồng hồ, hiệu quả hơn hẳn.
Từ khởi đầu của chiếc máy nghiền thức ăn, ông Đinh Văn Giang đã phát triển thành nhiều dạng mẫu sản phẩm khác nhau, tất cả đều dựa trên nguyên tắc giản dị đó. Nó có thể được dùng vào đủ việc, từ nghiền thức ăn cho trâu bò lợn gà, cá cho đến xay gừng, nghệ và xắt thuốc tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Giới thiệu về những chiếc máy, ông Giang hồ hởi kể có khoảng 30 chục mẫu từ chạy điện đến chạy máy nổ, từ loại dành cho gia đình nuôi 5-7 con lợn đến nuôi hàng trăm hàng nghìn con, có thể chế biến vài chục kilogram thức ăn đến cả tấn. Ông Đinh Văn Giang kể lại: “Tùy nhu cầu của bà con, tôi đáp ứng hết. Chiếc máy được tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2000, chạy máy nổ 15 mã lực, cho đến nay đã có phiên bản dùng điện”.
Những cải tiến mà ông dành nhiều công sức cho các phiên bản khác nhau, không hẳn vì ông có được cách nghĩ của doanh nghiệp là phải “đa dạng hóa sản phẩm” mà bởi vì yêu cầu của khách hàng ở mỗi vùng lại khác nhau. “Bà con vùng cao như Tuyên Quang, Hà Giang lặn lội xuống tận nơi mua về dùng, chỗ họ không có điện nên tôi duy trì phát triển phiên bản dùng máy nổ. Đến nay cả chục năm không hỏng, chỉ vài năm bộ dao mòn lại gọi điện để tôi gửi bộ mới”, ông nói.
Cải tiến của ông không chỉ có vậy, ý nghĩ cần kết hợp được “nhiều trong một” để giảm thiểu công đoạn trong chăn nuôi đã thúc đẩy ông đến việc tạo ra một chiếc máy 5 trong 1 có thể giúp người nông dân làm gọn việc băm, nghiền, trộn, ủ thậm chí là nấu chín thức ăn cho gia súc – một thành quả sau nhiều lần cải tiến và qua nhiều phiên bản khác nhau. Ông Đinh Văn Giang tự hào giới thiệu thiết bị “có nhiều kích cỡ để điều chỉnh, to nhỏ tùy ý, loại nào cũng xay được từ thân ngô, cây chuối, cỏ voi… cho tới tôm, cua, cá, ốc…. Một bộ phận đặc biệt trong chiếc máy của tôi là bộ phận sinh nhiệt hoạt động chỉ sau khi máy hoạt động 3-5 phút, với nhiệt độ từ 60-70 độ C, cám đưa ra sẽ được làm chín mà không cần nấu. Với những loại cám cần ủ men, người sử dụng chỉ cần điều chỉnh để nhiệt từ 40-50 độ, vừa đủ ấm để kích thích men hoạt động”.
Sáng chế của ông Đinh Văn Giang đã đoạt giải trong nhiều cuộc thi sáng chế của tỉnh Quảng Ninh và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0026410.
Mỗi lần làm ra máy mới, ông không phải tốn tiền quảng cáo hay nhờ ai đó cho phép mình thử nghiệm trên đàn gia súc nhà họ mà mạnh dạn áp dụng ngay trên đàn lợn nhà mình. Đàn lợn lớn như thổi 3-4 tháng đã nặng 80-90kg, khỏe mạnh, ít bệnh tật rút cục lại trở thành phương thức quảng cáo hiệu quả bậc nhất. Nhìn màn “ăn chắc” của ông, mọi người trong xã đến thị xã đua nhau tới đặt máy, thậm chí có người từ vùng xa tới, chấp nhận ở lại chờ hai ngày để an tâm mang máy ra về. Mỗi chiếc máy bán ra, ông Giang đều chu đáo đính kèm công thức ủ cám cho từng loại vật nuôi để họ có thể sử dụng ngay.
Có lẽ với ông, niềm vui đón nhận thành quả lao động của mình không chỉ là chi phí thu được mà chính là được bà con gọi điện phản hồi về quá trình sử dụng, đóng góp ý để kịp thời cải tiến.
Tính đến thời điểm này, ông Đinh Văn Giang cũng không nhớ mình đã bán được bao nhiêu chiếc máy. Ông chỉ áng chừng khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm bán ra từ 400-500 cái. Mỗi chiếc máy của ông Giang có giá từ 6 triệu đến 200 triệu tùy khối lượng vận hành và tính năng, có trang trại nuôi lớn, yêu cầu chiếc máy chế biến 3-4 tấn thức ăn một giờ ông cũng làm được.
Máy của ông bền tới mức hai mươi năm vẫn chạy tốt, người hàng xóm mua chiếc máy đầu tiên từ những năm 2000 giờ vẫn chạy tốt, chỉ thay lưỡi dao khi mòn. “Vài người bảo tôi, đừng làm bền quá, kẻo chẳng bán được nhiều” nhưng là người đi ra từ ruộng đồng, ông quý từng đồng tiền của người nông dân làm ra, chiếc máy cũng phải xứng đáng với từng đồng tiền họ đổ mồ hôi mới có. Bởi vậy khi có ai gọi điện báo máy trục trặc, ông sốt ruột, có khi cả đêm không ngủ. Phải đến khi hướng dẫn khách hàng sử dụng được thành thạo, ông mới cảm thấy nhẹ nhõm.
Nhờ những sáng chế hữu ích mà nhà sáng chế Đinh Văn Giang đã được tỉnh Quảng Ninh ủng hộ bằng cách cấp đất sử dụng 50 năm để mở rộng thêm nhà xưởng, phát triển các dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp, có quy mô lớn, góp phần hạ giá thành và nghiên cứu ra nhiều loại máy móc hơn nữa. “Người nông dân như tôi chỉ cần có thế, được chính quyền ghi nhận là có động lực tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khác. Nó như ăn vào máu mình rồi không làm không yên” – ông Giang nói và xin được giữ bí mật về những nghiên cứu đang ấp ủ.