Nông dân cải tiến kỹ thuật trồng bưởi thu 2 tỷ đồng mỗi năm
29/11/2023
51 Lượt xem
Từ nhiều lần trồng bưởi da xanh thất bại, ông Vũ Đình Tứ (Bình Chánh) tìm cách cải thiện, đầu tư hệ thống tưới và kỹ thuật trồng, chăm sóc, mang lại doanh thu lớn.
Ông Tứ (58 tuổi), ngụ xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh) vốn xuất thân là nông dân chuyên ươm giống cây công nghiệp như keo, tràm và một số cây ăn trái. Năm 2011, khi thuê được 2 ha đất, ông quyết định trồng bưởi da xanh. Ông mua giống từ các bạn hàng ở tỉnh Bến Tre về trồng thử quy mô 2 ha, mỗi ha khoảng 500 cây. Cả giống và các chi phí khác mỗi cây có mức đầu tư từ 200 - 300.000 đồng đến một triệu đồng.
Chưa có kỹ thuật chăm sóc, năm đầu tiên ông thất bại. Nhiều cây bưởi bị sâu bệnh ăn lá, sinh vật chích hút và thiếu nước. Cây bón phân không đúng cách khiến tỷ lệ đậu trái thấp, trái đậu cũng bị còi cọc, hình dạng xấu. "Có cây bị vàng lá, thối rễ sau đó chết, phải nhổ lên trồng lại thiệt hại hàng chục triệu đồng", ông Tứ nói. Không bỏ cuộc, ông tìm hiểu các mô hình trồng bưởi thành công để học, lên mạng đọc tài liệu kỹ thuật chăm sóc từ các chuyên gia nông nghiệp.
Bưởi da xanh giúp ông Tứ thu lợi nhuận mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Ảnh: Hà An
Ông đầu tư hệ thống tưới tự động bằng các béc phun sương, chi phí hơn 50 triệu đồng mỗi ha và 2 máy xịt chế phẩm phòng trừ sâu bệnh bằng áp lực sử dụng bơm từ môtơ, giúp giảm nhân công lao động. Rút kinh nghiệm trong bón phân, ông hạn chế phân vô cơ, tự ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm thủy sản để bón cho cây.
Những nỗ lực không ngừng đã giúp ông thu quả ngọt. Sản lượng lúc đầu khoảng 7 - 8 tấn mỗi ha trong một năm, sau 3 - 5 năm tăng lên 10 tấn. Trung bình mỗi ha ông thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, ông Tứ mở rộng từ 2 lên 6 ha, tạo công ăn việc làm cho 7 - 10 lao động thường xuyên.
Năm 2021, vườn bưởi da xanh ông Tứ được UBND TP HCM cấp chứng nhận OCOP 3 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm. Với nhãn hiệu OCOP, ông Tứ coi đó là cơ hội xây dựng thương hiệu sản phẩm, để người tiêu dùng có niềm tin vào nông sản Việt và giúp bưởi da xanh có đầu ra tốt hơn, giá thành cao hơn. Ông dự định tiếp tục mở rộng sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về sản lượng để có thể đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị.
Bà Nguyễn Thị Mão, Chủ nhiệm HTX bưởi da xanh xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh) cho biết, từ một người ươm cây giống, ông Tứ chuyển đổi sang cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. Ông đã tự nghiên cứu và ủ phân hữu cơ từ thủy sản giá trị thấp để bón cho bưởi giúp cây sinh trưởng tốt hơn. "Với những thành công bước đầu, ông không giữ cho mình mà hướng dẫn cho nhiều xã viên khác hợp tác xã kỹ thuật trồng bưởi da xanh để giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", bà Mão nói và cho biết ông Tứ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố nhiều năm.