Trong hơn 1 năm nghiên cứu, nhóm sinh viên gồm 5 thành viên nữ của Trường ĐH Công Thương TP HCM đã cho ra mắt bộ sản phẩm nui gạo ăn liền prebiotic đầu tiên.
Giới thiệu về sản phẩm, nhóm trưởng Dương Thị Thu Hương cho biết người dùng chỉ cần mất khoảng 2-3 phút ngâm nui vào nước ấm hoặc hâm nóng bằng lò vi sóng là đã có một bữa ăn ngon nhiều dinh dưỡng. Sản phẩm nui gạo này có chứa hàm lượng tinh bột kháng, giúp bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa.
Tinh bột kháng có đặc tính tương tự chất xơ hòa tan và lên men trong ruột già, tạo ra nhiều vi khuẩn tốt được giúp tăng cường sức khỏe đường ruột tổng thể. "Tinh bột kháng có trong sản phẩm còn giúp ổn định chỉ số đường huyết. Vì vậy, sản phẩm hoàn toàn phù hợp với người đang ăn kiêng hoặc mắc bệnh tiểu đường" - Hương thông tin.
Một thành viên khác là Từ Phương Hồng cho biết nguyên liệu để sản xuất nui là gạo IR 504,gạo lứt huyết rồng và gạo cẩm - nguồn thực phẩm an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Nói về quy trình sản xuất, Phương Hồng cho biết lúa sau khi thu hoạch được mang về phòng thí nghiệm để tách vỏ trấu, xát cám, nghiền thành bột gạo. Bột gạo sẽ được phối trộn với các thành phần khác theo tỉ lệ nghiên cứu, rồi tiếp tục tạo hình nui. Sau khi làm chín, nui được đóng gói và tiếp tục tiệt trùng để bảo đảm tiêu diệt tất cả vi sinh vật.
Nhóm 5 nữ sinh viên Trường ĐH Công Thương TP HCM nghiên cứu sản phẩm nui gạo dành cho người ăn kiêng.
Nhóm trưởng Dương Thị Thu Hương kể giai đoạn đầu, cả nhóm gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định tỉ lệ nhào trộn nên thành phẩm không đạt độ dai và hương vị như mong muốn. "Vì lịch học của các thành viên khác nhau nên nhóm chỉ có thể cùng nghiên cứu vào mỗi buổi tối. Mất hơn 3 tháng để nhóm nghiên cứu ra tỉ lệ trộn nui phù hợp" - Hương nhớ lại và không giấu tự hào vì theo cô, những bài học thực tế mới chính là "chiến lợi phẩm" đắt giá nhất.
Hương cũng cho hay dù nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng nhóm vẫn tiếp tục cải thiện sản phẩm. Nhóm trưởng tiết lộ nhóm đang xây dựng ý tưởng thay thế mẫu bao bì nhựa ban đầu thành bao bì giấy nhiều lớp.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm - Trường ĐH Công Thương TP HCM, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến các thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những người cần tuân thủ chế độ ăn uống khắt khe vì lý do bệnh tật. Do đó, ý tưởng khai thác tối đa hàm lượng tinh bột kháng cùng các hợp chất tự nhiên như flavonoids, anthocyanins... có trong các giống gạo huyết rồng, nếp cẩm chính là điểm cộng của dự án.
Tin vui cho nhóm sinh viên là dự án đã được một số doanh nghiệp gợi ý đầu tư. Tuy nhiên, để có thể thương mại hóa sản phẩm, nhóm cần tiếp tục nghiên cứu để cải thiện thêm về chất lượng hương vị, độ nở và kéo dài hạn sử dụng từ 6-9 tháng.