Công nghệ phân tử được ứng dụng lần đầu tiên ở Việt Nam để kích thích sinh sản và nuôi thử nghiệm Hải sâm vú trắng quý hiếm.
Theo chuyến đi định kỳ theo dõi và chăm sóc hải sâm vú trắng trên bè nuôi thử nghiệm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), TS Nguyễn Đình Quang Duy cùng các cộng tác viên dự án cẩn thận chuyển từng con hải sâm ra khỏi lưới cũ để thay cái mới. Anh bảo, thức ăn của loài này dễ tìm, chủ yếu là vi tảo, mùn bã hữu cơ nhưng vì chúng ưa môi trường thông thoáng nên một tháng phải thay lưới một lần để tạo điều kiện chúng có môi trường sinh trưởng thuận lợi.
Nhìn những con hải sâm vú trắng đang sống khỏe mạnh, phát triển bình thường, TS Duy cho biết, đây là kết quả nghiên cứu sản xuất giống và thử nghiệm ương nuôi thương phẩm loài hải sâm vú trắng bằng công nghệ phân tử mà phía Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 và Đại học Sunshine Coast, Australia (USC) hợp tác, được hỗ trợ thông qua chương trình Aus4Innovation từ năm 2019.
"Đây là dự án đầu tiên trên thế giới sản xuất giống hải sâm vú trắng quý hiếm bằng công nghệ phân tử và nuôi thử nghiệm trong lồng bè ở độ sâu thấp. Thành công của dự án không chỉ cải tiến trong công nghệ mà còn mở ra cơ hội mới cho người nuôi trồng thủy sản, từng bước thương mại hóa sản phẩm", anh nói.
Hải sâm vú trắng lần đầu được áp dụng công nghệ phân tử để kích thích sinh sản. Ảnh: Hoàng Hà.
Trước khi thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã khảo sát đánh giá một số khu vực, chọn Khánh Hòa để nuôi thử nghiệm vì có nhiều vịnh kín, độ mặn và nhiệt độ ổn định thích hợp cho loài hải sâm này. Sau đó, thay vì sử dụng phương pháp kích thích nhiệt truyền thống, nhóm tìm hiểu và áp dụng công nghệ phân tử, cụ thể là dùng một loại hormone để kích thích sinh sản.
TS Duy cho biết, quá trình sản xuất hormone bằng cách lấy chuỗi trình tự gene tái tổ hợp từ RNA của dây thần kinh quay từ con hải sâm vú trắng trưởng thành, sau đó chuyển gene tái tổ hợp vào nấm men để sản xuất hormone tái tổ hợp. Quá trình này do phía Đại học USC phụ trách nghiên cứu sản xuất. Hormone được làm đông khô và gửi về Việt Nam, bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C. Sau đó, hormone được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 tiêm trực tiếp vào hải sâm vú trắng bố mẹ để kích thích sinh sản.
Trước đây, quá trình kích thích hải sâm đẻ thường được áp dụng bằng phương pháp kích thích nhiệt, làm nhiệt độ thay đổi đột ngột để gây sốc hải sâm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên phương pháp này không chủ động thời gian và mất nhiều thời gian để hải sâm sinh sản. "Nếu kích thích nhiệt, hải sâm vú trắng mất 3-4 tiếng để sinh sản, trong khi phương pháp dùng hormone chỉ mất 1 tiếng", TS Duy nói.
Từ bước sinh sản thành công, con giống được đưa về một số lồng bè trong xã để nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, hải sâm vú trắng có chế độ ăn bình thường, chúng ăn vi tảo, lọc bùn bã trong môi trường nước biển.
Vì lần đầu tiên áp dụng nuôi thử nghiệm loại hải sâm này, các yếu tố về độ mặn, ánh sáng cần được lựa chọn để có môi trường nuôi phù hợp. TS Duy cho biết, trước đây, hải sâm vú trắng phân bố rất nhiều ở vùng nông. Tuy nhiên vì quý hiếm và khai thác quá mức, hải sâm ngày càng phân bố độ sâu ngày càng cao, việc nuôi loài hải sâm này trong lồng bè hợp lý. Sau 8 tháng nuôi, từ con giống với trọng lượng khoảng 0,3 gram nuôi lên trọng lượng khoảng quá 100 gram, tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Hải sâm vú trắng là loài quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao, chúng bị khai thác gần như cạn kiệt trên thế giới và tại Việt Nam, trong khi việc sản xuất con giống khó hơn các đối tượng khác. Loài này được đưa vào danh sách những loài nguy cấp trong Công ước về buôn bán quốc tế về loài có nguy cơ tuyệt chủng, hạn chế hoặc cấm hoàn toàn buôn bán hải sâm vú trắng có nguồn gốc tự nhiên.
"Việc sản xuất giống nhân tạo để phục hồi nguồn lợi nuôi trồng hải sâm vú trắng đem lại kinh tế cao cho hộ nông dân, hải sâm vú trắng sấy khô bán với giá khoảng 10-20 triệu đồng/kg", TS Duy nói và cho biết, quá trình nuôi thành thương phẩm nếu nhanh cũng mất khoảng 2-3 năm và nhiều khi cần đến 10 năm để hoàn thiện để áp dụng nuôi diện rộng. Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra một số loài tiềm năng để áp dụng công nghệ phân tử như hải sâm cát, hải sâm đen.
Aus4Innovation là Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo do chính phủ Australia tài trợ cho Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT), với tổng kinh phí 13,5 triệu AUD, thực hiện trong giai đoạn 4 năm (2018-2022). Chương trình do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng quản lý. Dự án Nuôi hải sâm vú trắng bằng công nghệ phân tử thuộc hợp phần Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants) của chương trình.