Trong một thử nghiệm ở TPHCM, tôm tít được nuôi trong hộp nhựa ở trang trại, không phụ thuộc vào ao đầm.
Tôm tít còn được gọi là tôm tích, tôm thuyền, bề bề hay tôm bọ ngựa, là một trong những loài đặc sản được ưa chuộng, có giá bán cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thịt tôm tít chứa nhiều vitamin, khoáng chất và acid béo không no thiết yếu như vitamin A, B, kẽm, sắt và hàm lượng omega 3, omega 6. Đặc biệt, tôm tít có chứa hàm lượng canxi và protein cao hơn so với thịt gia cầm nhưng lại rất dễ hấp thụ.
Tại Việt Nam, tôm tít chủ yếu được khai thác và đánh bắt ngoài tự nhiên và sản lượng ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Có một số ít hộ dân ven biển đã nuôi tôm tít trong ao đất, tuy nhiên năng suất, chất lượng chưa cao, phải sử dụng diện tích mặt nước lớn.
Trước thực tế này, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã triển khai đề tài “Thử nghiệm nuôi thương phẩm tôm tít bằng hệ thống tuần hoàn tại TPHCM”.
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế một hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) cho phép nuôi tôm tít trong hộp nhựa ở trang trại theo quy mô công nghiệp, không phụ thuộc vào ao đầm.
Hệ thống RAS bao gồm cụm nuôi tôm được nối với cụm tuần hoàn nước và hệ thống xử lý nước. Nước sau khi được xử lý được cấp lại vào bể nuôi tôm, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín.
Trang trại nuôi tôm tít bằng hệ thống RAS. Ảnh: NNC
Nhóm đã tiến hành nuôi thử nghiệm 1.000 con giống (trọng lượng từ 80-100g/con) trong 120 ngày, với diện tích trang trại chỉ chiếm 100m2. Trong đó, diện tích lắp đặt hộp nuôi 40m2, cụm nuôi được bố trí theo từng dãy, mỗi dãy chứa 200 hộp nuôi bằng nhựa PPE. Để loại bỏ tình trạng bùn thải cỡ siêu nhỏ hình thành do sinh khối vi sinh, có thể làm tắc dần các lỗ cấp nước 2mm, khiến không thể bơm nước vào hộp nuôi, nhóm đã trang bị thêm thiết bị bơm, kèm hệ thống lọc cát, giúp quy trình vận hành tốt hơn.
Sau 120 ngày nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 157g/con (trung bình đạt 1g/ngày), tỷ lệ sống đạt trên 83,4%, thu hoạch được 130,9 kg tôm. Chất lượng thịt tôm tít thương phẩm thơm ngon, màu sắc tươi sáng, đạt 100% các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN 7905-1:2008.
Theo Th.S Lê Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm đề tài, quy trình nuôi tôm tít trong hộp nhựa bằng hệ thống RAS đã hoàn thiện về mặt công nghệ. Quy trình vận hành dựa trên nguyên lý lọc sinh học tự động nên dễ áp dụng, người nuôi không cần được đào tạo kiến thức chuyên sâu. Thiết bị và vật liệu đều được sản xuất trong nước nên giá thành hợp lý, dễ thay thế và bảo trì.
Ngoài ra, do hệ thống được thiết kế theo hình thức mô-đun (kết nối với nhau theo từng dãy nuôi), người nuôi có thể triển khai ở nhiều quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Đặc biệt, khi nuôi tôm tít bằng hệ thống RAS thì nước thải không đáng kể và không xả thải trực tiếp ra môi trường, nên có thể ứng dụng ngay trong đô thị, khu dân cư như nhà hàng, tiệm ăn..., tạo nguồn thực phẩm sạch, tươi, chất lượng tại chỗ.
Bên cạnh đó, công nghệ nuôi tôm tít trong hệ thống RAS sử dụng ít nước, hạn chế thay nước từ nguồn ngoài, qua đó giảm thiểu rủi ro về thiên tai dịch bệnh. Hệ thống cũng không sử dụng các loại hóa chất độc hại, các loại kháng sinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi và người sử dụng.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt. Nhóm có thể chuyển giao công nghệ nuôi tôm tít cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu.