Một nghiên cứu mới cho thấy bổ sung phân bón vào đất trồng đem lại những lợi ích lâu dài như giúp lưu trữ cacbon và nuôi dưỡng đất khỏe mạnh.
Phân bón rõ ràng đã là một yếu tố quan trọng trong nông nghiệp hữu cơ, song vai trò của chúng đối với môi trường, cụ thể là khả năng giúp đất lưu trữ, giữ cho cacbon không tiếp xúc với khí quyển và gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu vẫn chưa được hiểu tường tận.
Một nghiên cứu gần đây tại Đại học California, Davis (UC Davis) đã cho thấy vai trò của phân bón không chỉ giới hạn ở việc cấu thành nên cacbon trong đất. Đồng thời, các nhà khoa học chỉ ra lượng cacbon trong đất sâu, trên thực tế, tăng nhanh hơn nhiều so với đề xuất đưa ra bởi các phương pháp ước tính. Do đó, có thể cho rằng các chương trình khuyến nông đã đánh giá thấp vai trò của phân bón, cũng như những phương pháp đo lường nồng độ cacbon trong đất đều có sai sót.
Đồng tác giả nghiên cứu Nicole Tautges không ngạc nhiên với hiệu quả giúp đất sản sinh cacbon của phân bón mà là việc nó làm tăng lượng cacbon trong tầng đất sâu từ 1-2 mét.
Nhóm nghiên cứu giả định rằng dòng nước chảy trong lòng đất có ảnh hưởng đến quá trình này và tiếp tục nghiên cứu thêm. Bên cạnh đó, độ sâu của đất cũng là một yếu tố cần được lưu ý để xác định chính xác hơn tầm quan trọng của phân bón cũng như ứng dụng các biện pháp đo lường độ cacbon trong đất, thay vì chỉ nghiên cứu trên bề mặt (đất).
Thí nghiệm được thực hiện tại điểm nghiên cứu được UC Davis thành lập từ 1993, trong đó các nhà nghiên cứu tiến hành đo lượng cacbon hữu cơ tại năm độ sâu khác nhau cho tới 2m trong vòng 19 năm. Sau đó, lượng cacbon được đặt ra so sánh giữa hai hệ thống canh tác đất: phương pháp truyền thống chỉ dùng cây trồng phủ đất (nhằm bảo vệ và cải tạo nguồn đất canh tác) và hệ thống sử dụng xen kẽ cây phủ đất và phân bón.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, hệ thống canh tác truyền thống không những không làm tăng mà còn gây thất thoát lượng lớn cacbon trong đất ở độ sâu dưới 1 foot. Ngược lại, hệ thống xen kẽ hai phương pháp đã giúp tăng nồng độ cacbon trong đất trong suốt quá trình nghiên cứu với tỉ lệ tăng 0.7%/năm. Tưởng như không nhiều, nhưng so với môi trường đất trồng nơi thay đổi diễn ra rất chậm, tỉ lệ tăng ở đây là rất đáng kể. Tổ chức môi trường “4 trên 1,000” đã từng đưa ra kêu gọi tăng 0.4% lượng cacbon trong đất trồng hàng năm trên toàn cầu như một biện pháp giải quyết biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tại UC Davis vẫn chưa phân tích vai trò độc lập của phân bón trong hiệu ứng tăng cacbon mà dựa trên sự kết hợp với phương pháp trồng cây giữ đất. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ nghiên cứu riêng về phân bón, vẫn có ý kiến cho rằng không nên tách rời chúng khỏi các yếu tố canh tác khác. Bà Calla Rose Ostrander, giám đốc Dự án Cacbon tại Tổ chức Con người, Lương thực và Đất trồng (People, Food & Land Foundation) là một trong số đó. Ý thức được vai trò quan trọng của phân bón, song theo bà, vai trò ấy chỉ được phát huy khi được kết hợp với các phương pháp tiếp cận nông nghiệp bền vững và hỗ trợ quản lý hệ sinh thái một cách toàn thể.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc dự đoán, nếu không có phương pháp cải tạo đất trồng hiệu quả, đất trồng trên bề mặt chỉ đủ để phục vụ nền nông nghiệp trên dưới 60 năm nữa. Do đó, nhà nghiên cứu Tautges cũng hi vọng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đưa phân bón vào sử dụng nhiều hơn trong nông nghiệp và hỗ trợ phát triển các xu hướng mới như nông nghiệp tái sinh và nông nghiệp cacbon.