Phân lập chủng vi khuẩn kháng nấm gây bệnh thán thư trên cây ớt
05/07/2021
69 Lượt xem
Nhóm tác giả ở Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã phân lập và tuyển chọn được 31 chủng vi khuẩn có khả năng kháng nấm Colletotrichum spp. gây bệnh thán thư trên cây ớt, tạo tiền đề cho việc sản xuất các chế phẩm phòng trừ bệnh này.
Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum spp. gây ra rất phổ biến ở nhiều loại cây trồng, trong đó có ớt là loài cây trồng có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều ở khu vực phía Nam. Nấm Colletotrichum spp. có khả năng gây hại trên nhiều bộ phận của cây như thân, lá, trái, hạt, nhưng chủ yếu là gây thối trái hàng loạt trong giai đoạn chín, dẫn đến thiệt hại nặng về năng suất, có khi thất thu lên tới 100%.
Hiện nay, biện pháp phòng trừ bệnh thán thư chủ yếu là sử dụng thuốc hóa học. Biện pháp này có hiệu quả nhưng lại ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người và dễ làm nấm bệnh trở nên kháng thuốc. Các chế phẩm sinh học có trên thị trường có tác động chậm và bị ức chế bởi nhiều yếu tố môi trường, dẫn đến sự hạn chế sử dụng trong thực tế.
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng bộ sưu tập các chủng vi khuẩn Bacillus spp., Pseudomonas spp. có khả năng đối kháng nấm Colletotrichum spp. gây bệnh thán thư trên cây ớt”.
Để phân lập các chủng vi khuẩn, nhóm tác giả thu thập các mẫu rễ và đất vùng rễ từ nhiều vùng chuyên canh cây ớt ở khu vực phía Nam như TPHCM, Tiền Giang, Lâm Đồng. Bằng phương pháp phân lập thích hợp, kết hợp định danh hình thái và sinh học phân tử hiện đại, nhóm đã phân lập được 47 chủng nấm Colletotrichum spp, có khả năng gây bệnh thán thư tương đương nhau.
Đề tài cũng xác định tên loài các chủng nấm gây bệnh thán thư trên ớt, trong đó có 4 loài lần đầu tiên được ghi nhận gây bệnh trên cây ớt ở Việt Nam.
Đồng thời, cũng từ các mẫu rễ và đất vùng rễ thu được ở các vùng trồng ớt nói trên, nhóm phân lập được 57 chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus spp. Từ 57 chủng này, đã tuyển chọn được 21 chủng có khả năng đối kháng tốt với chủng nấm Colletotrichum spp. từ 71 – 82%. Nhóm cũng phân lập được 56 chủng vi khuẩn thuộc chi Pseudomonas spp và tuyển chọn được 10 chủng trong số đó có khả năng đối kháng tốt với chủng nấm Colletotrichum spp.
Thử nghiệm đánh giá khả năng đối kháng với nấm Colletotrichum spp. trên 3 loại ớt (chỉ thiên, sừng vàng, sừng siêu dài) của 31 chủng vi khuẩn được tuyển chọn, nhóm nhận thấy, các chủng vi khuẩn đều có khả năng đối kháng với nấm Colletotrichum spp. gây bệnh thán thư. Việc sử dụng thuốc hóa học Antracol mặc dù có khả năng khối kháng tốt, nhưng hiệu quả vẫn thấp hơn so với các chủng vi khuẩn được phân lập.
Đề tài đã đăng ký dữ liệu 78 chủng vi sinh vật (47 chủng nấm Colletotrichum spp. và 31 chủng vi khuẩn) lên ngân hàng gene NCBI (Mỹ); đồng thời gửi 40 chủng vi sinh vật (20 chủng nấm Colletotrichum spp. và 20 chủng vi khuẩn) vào Bộ sưu tập giống của Bảo tàng Giống chuẩn vi sinh vật Việt Nam. 51 chủng vi sinh vật (20 chủng nấm Colletotrichum spp., 31 chủng vi khuẩn) cũng được lưu trữ dữ liệu và bảo quản ở Bộ sưu tập giống của Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM. Có thể sử dụng các dữ liệu và bộ giống vi sinh vật đó cho các nghiên cứu sau này, nhằm nhanh chóng tạo ra các sản phẩm phòng trừ bệnh hại cho cây trồng.
Hiện nhóm đang tiếp tục thử nghiệm hiệu lực đối kháng với nấm ở quy mô đồng ruộng, để tiếp tục chọn ra các chủng vi khuẩn có hoạt tính tốt nhất, từ đó nghiên cứu quy trình sản xuất chế phẩm có khả năng phòng trừ bệnh thán thư trên cây ớt.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.