Tại TPHCM, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) vừa được khánh thành, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, đề xuất chính sách và chuyển giao công nghệ, tạo ra các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những lĩnh vực trung tâm hướng tới gồm vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, AI...
Tập đoàn công nghệ CMC và nhiều tập đoàn công nghệ trong nước đã cam kết đồng hành cùng C4IR trong việc thực hiện các sứ mệnh và mục tiêu chiến lược của trung tâm. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC, đề xuất sáng kiến chuyển đổi AI với mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành thành phố AI và trung tâm AI của thế giới. Trong đó, CMC đã công bố Chiến lược chuyển đổi AI để thúc đẩy ngành AI phát triển ở nhiều lĩnh vực.
Nền tảng DrAid Enterprise Data, phát triển bởi VinBrain, ứng dụng AI được thiết kế chuyên dụng cho ngành y tế
Trước khi có C4IR, TPHCM cũng triển khai nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI giai đoạn 2020-2030 với hàng loạt chương trình như: xây dựng, triển khai Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI, Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI, triển khai Đề án Đào tạo nguồn nhân lực AI… “Cú hích cho AI” càng mạnh mẽ hơn khi tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 diễn ra tại Hà Nội, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu Tập đoàn công nghệ Meta (Mỹ), đã chia sẻ một số cam kết và kế hoạch của Meta tại thị trường Việt Nam.
Từ nay đến cuối năm, Meta sẽ triển khai trợ lý ảo AI cho doanh nghiệp tại Việt Nam, hỗ trợ tương tác với khách hàng để nâng cao năng suất. Meta đặt niềm tin về sự phát triển của Việt Nam trong tương lai và sẽ hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng các khóa học về năng lực AI cho sinh viên, triển khai từ tháng 1-2025. “Việt Nam có tiềm năng trở thành cường quốc trong khu vực, bởi các bạn có thể tận dụng AI làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và sử dụng hiệu quả các công cụ số”, đại diện Meta nhận định.
Vai trò AI của Việt Nam
Nói về ứng dụng AI tại Việt Nam, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud (đơn vị chủ lực phát triển AI của FPT), nhận định: Việt Nam có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới. Giống như công nghệ thông tin, AI sẽ thay đổi các ngành khác. Chúng ta cần năng lực AI nội tại dành riêng cho Việt Nam.
Để làm được điều đó, theo ông Lê Hồng Việt, đầu tiên là đủ năng lực tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng. Hai là tập hợp được dữ liệu từ Chính phủ, người dân để làm chủ dữ liệu của chính mình. Ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp thông suốt. Bốn là tạo nguồn lực dồi dào, thu hút giới nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu. Cuối cùng là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được những giá trị từ AI, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí.
Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam nên chú trọng phát triển 3 trụ cột AI: con người, tài nguyên và công cụ. Trong đó, cần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, khuyến khích, đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển AI tạo sinh. Khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ và chủ động kiểm soát nội dung, đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia.
Xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển giải pháp tích hợp AI tạo sinh dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ. “Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ Việt cho người Việt”, GS Vũ Hà Văn nhận định.
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 do Thủ tướng ban hành tháng 1-2021 đặt mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam và đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN. Để thực hiện được mục tiêu đó, vấn đề làm chủ và nội địa hóa công nghệ AI có vai trò quyết định.
Thông qua nhiều chương trình liên quan đến AI do các cơ quan nhà nước tổ chức, tất cả cùng hợp tác, chia sẻ thông tin, sáng kiến, giải pháp về xây dựng chính sách và quản lý; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI từ đội ngũ nhân lực, công nghệ và nguồn dữ liệu nội địa. Cùng đó, tăng cường hợp tác và học hỏi quốc tế để phát triển hệ sinh thái AI bền vững, do chính người Việt làm chủ tại Việt Nam.