Phó giáo sư tuổi 37 và những chiếc máy bay không người lái
05/02/2020
130 Lượt xem
Sinh năm 1983, giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học, TS Vũ Ngọc Ánh là một trong ít người trẻ tuổi vừa được Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vinh danh và công nhận chức danh phó giáo sư cuối năm 2019.
Ông cũng là gương mặt khá nổi tiếng trong giới khoa học khi sớm có những sáng chế thành công ra những chiếc máy bay không người lái đầu tiên thuở còn sinh viên, hay những công trình máy bay được công bố đầu năm 2019 vừa qua.
Chỉ vào chiếc máy bay trông khá đơn giản đang đặt ở một góc phòng, PGS-TS Ánh nói: “Trông đơn giản, nhỏ gọn vậy thôi chứ tốn mấy trăm triệu đồng đó. Anh này oanh tạc lắm, chinh chiến nhiều rồi”.
PGS-TS Ánh cho biết chiếc máy bay NOBA ROBOTICS AQ 10 do chính ông nghiên cứu và sáng chế, dưới sự hỗ trợ của nhóm cộng sự là một số sinh viên và kỹ sư của ông.
Máy bay nặng khoảng 25 kg, thời gian hoạt động 15-20 phút, tốc độ 0-10 m/giây, khi sử dụng để phun thuốc trừ sâu có diện tích phun 1 ha/10 phút, nhanh gấp 50 lần phun thủ công.
Máy mang được khoảng 10 kg lượng thuốc hoặc phân bón. Máy bay sử dụng hai vòi loại đầu phun quạt với góc mở 110 độ, có thể điều chỉnh để phù hợp với cây trồng theo số hạt phun ra.
Theo PGS-TS Ánh, về cơ bản, máy bay ứng dụng để phun thuốc trừ sâu, hiện tại áp dụng cho cây lúa. Máy bay có điều khiển từ xa, có cơ chế bay tương tự các thiết bị bay phổ biến như flycam. Tuy nhiên, để phù hợp với mục đích phun thuốc trừ sâu diện rộng, máy được thiết kế thêm bình chứa và bộ pin có khả năng giúp máy hoạt động ổn định.
Hệ thống phun thường có kiểm soát kích thước hạt phun và cường độ phun trong thời gian thực tế, giúp việc phun tưới chính xác và hiệu quả trong quá trình hoạt động. Hệ thống radar, cảm biến cho phép máy bay cảm nhận và phát hiện đa hướng chướng ngại vật, bay tự động theo địa hình, hoạt động cả vào ban ngày và ban đêm.
Cụ thể, theo PGS-TS Ánh, một máy bay năng suất tương đương 28 người công.
“Một máy bay mang bình thuốc khoảng 10 lít mất 10-15 phút thao tác là có thể phun hết 1 ha, trong khi người dùng bình xịt tay mất trung bình khoảng 7 giờ lội bộ ngoài đồng với tổng cộng gần 400 lít dung dịch thuốc mang vác trên người.
Với chế độ phun sương siêu tiết kiệm, máy bay có thể giúp tiết kiệm 90% nước và 30% thuốc so với phun tay, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả diệt trừ sâu bệnh” - PGS-TS Ánh ví dụ.
Trong thời gian đi học và sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại Hàn Quốc, ông quyết định trở về Việt Nam với ấp ủ làm máy bay cá nhân, ai cũng lái được để giải quyết vấn đề kẹt xe.
Tuy nhiên, thực tế đất nước còn nhiều khó khăn, trong khi nông nghiệp là kinh tế chính, ông quyết định chỉ hợp tác với nước ngoài để làm máy bay cá nhân và chuyển hướng nghiên cứu, chế tạo máy bay phục vụ cho nông dân.
Hơn nữa, ông kể nông dân Việt Nam cực quá, sản phẩm thu hoạch thì giá rẻ nhưng công sức bỏ ra quá nhiều, nhất là khâu phun thuốc, bón phân, rất độc hại.
“Từ thời sinh viên, mỗi khi đi Mùa hè xanh, gặp nhiều câu chuyện về việc người này người kia mất vì bị ảnh hưởng từ thuốc nông nghiệp mà đau lòng.
Ngay cả trong gia đình mình cũng có người mất vì bị ảnh hưởng của thuốc, mỗi lần đi phun thuốc về là người mệt mỏi, dần dần tích tụ thành bệnh ung thư.
Nên mình mới nghĩ ứng dụng làm gì đó để giúp nông dân, dù sẽ rất nhiều khó khăn nhưng mình sẽ quyết tâm làm, mình hiểu rõ lợi hại ra sao mà mình không làm thì ai sẽ làm” - PGS-TS Ánh tâm tư.
Sau một thời gian khá dài bắt tay vào thực hiện, năm 2019, PGS-TS Ánh và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành được ba chiếc máy bay.
Trong đó chiếc máy bay NOBA ROBOTICS AQ10 là phiên bản thứ hai và cải tiến hoàn thiện nhất, dùng để hỗ trợ nông dân phun thuốc trừ sâu.
Máy bay phiên bản đầu tiên đã được bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk theo đầu tư của tỉnh này. Chiếc thứ ba sẽ được nhóm triển khai dùng để gieo hạt cho rừng và thực hiện đi gieo trong năm 2020.
PGS-TS Ánh cho hay tổng kinh phí chế tạo ra ba máy bay này mất hơn 1 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách do tỉnh Đắk Lắk cấp khoảng 400 triệu đồng, còn lại ông tự bỏ tiền, vừa chế tạo vừa nhập linh kiện từ nước ngoài.
Nói về lợi ích, PGS-TS Vũ Ngọc Ánh cho biết máy bay này nếu triển khai được sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, hiệu quả kỹ thuật, sức khỏe và môi trường.
Hiện máy bay đã được điều khiển từ xa hoặc tự động bay theo đường bay nhờ hệ thống định vị GPS có độ chính xác cao, cải tiến để ứng dụng công nghệ thông tin là điều khiển bằng app trên điện thoại, chạy được trên máy tính, dùng điện thoại vẽ đường bản đồ bay hoặc cài đặt tín hiệu.
Do đó, máy sẽ giúp nông dân tiết kiệm nhiều công sức, thời gian, giảm thiểu rủi ro trong thời tiết xấu hoặc khi phải tiếp xúc hóa chất mà năng suất của cây trồng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà PGS-TS Ánh đang tìm giải pháp là về giá thành. Bởi máy bay này nếu được sản xuất hàng loạt để cung ứng cho thị trường thì giá sẽ trên dưới 100 triệu đồng/máy bay, hoặc chi phí vận hành sẽ vài chục ngàn đồng/ha.
“Hiện máy bay chỉ mới áp dụng hiệu quả cho cây lúa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến để ứng dụng được cho cây ăn trái, tiến hành các giải pháp để làm sao có giá thành rẻ nhất cho nông dân vì chi phí bao giờ cũng là bài toán khó nhất với nông dân.
Năm 2020 này, chúng tôi đang xin giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư cùng sản xuất ra thị trường và xin phép bay để giúp nông dân thuận tiện sử dụng hơn” - PGS-TS Ánh cho hay.
Đồng thời, nhóm của ông cũng đang tiến hành cải tiến để máy bay thực hiện việc gieo hạt trồng rừng cho những vùng núi trọc hoặc rừng ngập mặn, những nơi con người khó tiếp cận để phủ kín rừng.
Tôi biết đến lúc này chỉ mới là bước một chân vào cuộc chơi thôi. Tôi không muốn chỉ dừng lại ở việc đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thực tế, mà tôi muốn làm sao còn phải cạnh tranh được với nước ngoài mà hiệu quả vẫn tốt nhất cho người nông dân. Có như thế mới hy vọng góp phần nâng tầm vị thế nông nghiệp Việt Nam hơn” - PGS-TS Ánh mong mỏi.