Sinh viên Lê Thị Thu Ngân (Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) cùng nhóm bạn Phan Văn Thịnh, Phan Trung Hiếu, Lê Nguyễn Văn Dương, Võ Hữu Phúc đã bắt tay thực hiện dự án Smart bed – Giường ngủ thông minh. Ưu điểm nổi bật của dự án này là cung cấp một bộ cảm biến đa năng với các tính năng tập trung chăm sóc sức khỏe người dùng, phòng tránh các căn bệnh nguy hại, nâng cao sức khỏe con người…
Đại diện nhóm, Ngân cho biết, nó không như hình dung của một số người về một chiếc giường ngủ lỉnh kỉnh với nhiều máy móc đo thông số, màn hình theo dõi hay nhiều dây chằng chịt.
Thiết bị đi kèm theo chỉ là một cảm biến nhỏ được lắp vào một chiếc giường ngủ bất kỳ, khi người dùng đã quá quen nằm trên chiếc giường ngủ quen thuộc thì có thể tận dụng lại chiếc giường có sẵn tại nhà để tiết kiệm chi phí.
Sản phẩm sau khi được lắp đặt hoàn chỉnh sẽ bao gồm các tính năng chính: buông/xếp màn tự động theo trạng thái ngủ/thức của người dùng; đo đạc, lưu trữ, báo cáo các thông số sức khỏe; đánh giá chất lượng giấc ngủ, đưa ra một số lời khuyên; cảnh báo các chỉ số bất thường kéo dài; cảnh báo khi phát hiện nguy cơ đột tử hoặc chứng ngừng thở khi ngủ của người dùng…
Nguyên lý hoạt động của hệ thống có thể tóm tắt như sau: sử dụng các cảm biến đo (nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt, tần suất cử động...) để đo các thông số sức khỏe, các thông số này sẽ được gửi về bộ xử lý trung tâm là một máy tính nhúng. Tại đây, dữ liệu sẽ được gửi lên máy chủ để xử lí. Sau đó các dữ liệu đã được xử lý sẽ được gửi đến ứng dụng (App) hoặc tài khoản web để người dùng có thể theo dõi được tình hình chất lượng giấc ngủ cũng như đánh giá mức độ bình thường của các chỉ số sinh tồn. Song song đó, dữ liệu sẽ được gửi về lại máy tính nhúng, giao tiếp với các cảm biến và thiết bị, tiếp tục thực hiện các chức năng khác (buông/xếp màng, báo động...)
Thời gian qua, nhóm đã làm được sản phẩm thử nghiệm (demo) căn bản để chứng minh rằng các tính năng có thể thực hiện được và đây là một dự án khả thi. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nâng cao sản phẩm, hướng đến một sản phẩm hoàn thiện hơn. Xa hơn nữa là tiến tới việc sử dụng các cảm biến không chạm để tạo sự tiện lợi cho người dùng nhưng vẫn đảm bảo được độ chính xác cao.
Một số giải thưởng mà dự án đã đạt được: giải nhì cuộc thi “Seeding your idea” do Vintech và BSSC tổ chức; giải nhì cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp TP. Đà Nẵng năm 2019"; top 50 cuộc thi Học sinh - sinh viên khởi nghiệp quốc gia năm 2019” do Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức; top 10 cuộc thi “ Ý tưởng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp – Dtustartup 2019” do Trường ĐH Duy Tân tổ chức.
Ngoài ra, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ từ Trường ĐH Duy Tân với hơn 25 triệu đồng cho sản phẩm thử nghiệm cơ bản, trong đó có sự hỗ trợ từ khoa điện - điện tử, Trung tâm khởi nghiệp và Trung tâm điện - điện tử của trường.