QCVN 12 - 19:2023/BCT quy định kỹ thuật, ghi nhãn kíp nổ điện tử
15/10/2024
48 Lượt xem
Kíp nổ điện tử là tổ hợp kíp nổ trong đó thời gian trễ đạt được nhờ một chip điện tử được kích hoạt bằng điện. Kíp nổ là các thành phần chính trong ngành công nghiệp nổ hóa và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khai thác mỏ, xây dựng, quốc phòng và công nghiệp khác. Dưới đây là mô tả về thuốc nổ và kíp nổ.
Trong các ứng dụng công nghiệp, kíp nổ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và chính xác trong quá trình sử dụng thuốc nổ, đặc biệt là trong các công việc đòi hỏi đồng bộ và điều chỉnh chính xác thời gian nổ.
Tuy nhiên việc sử dụng kíp nổ mà không tuân thủ các quy chuẩn an toàn có thể dẫn đến tai nạn và thảm họa nghiêm trọng, từ vụ nổ nhỏ đến thảm họa lớn có thể gây nguy hiểm cho cả môi trường và cộng đồng xung quanh. Do đó việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12 - 19:2023/BCT do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành theo Thông tư số 31/2023/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2023 chính là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn và bảo vệ cộng đồng, môi trường và người làm việc trong các lĩnh vực sử dụng vật liệu nổ.
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định chỉ tiêu kỹ thuật, phương pháp thử và quy định quản lý đối với kíp nổ điện tử có mã HS 3603.40.00. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới kíp nổ điện tử trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Việc ban hành quy chuẩn kíp nổ điện tử giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường. Ảnh minh họa
Quy chuẩn an toàn giúp kiểm soát rủi ro và giảm thiểu khả năng xảy ra các sự cố không mong muốn. Đồng thời giúp thiết lập chuẩn mực chung cho cả ngành công nghiệp, tạo điều kiện công bằng và đồng đều trong cả nước. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng dễ dàng và giảm thiểu sự không chắc chắn trong quá trình sản xuất và sử dụng vật liệu nổ. Quy chuẩn an toàn cũng có thể giúp chính phủ kiểm soát và quản lý việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng thuốc nổ và kíp nổ. Điều này ngăn chặn buôn lậu và việc sử dụng phi pháp của các vật liệu nổ, đồng thời tăng cường an ninh quốc gia.
Theo đó quy chuẩn này yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật của kíp nổ điện tử được quy định cụ thể: Chỉ tiêu cường độ nổ phải xuyên thủng tấm chì dày 6 mm, đường kính lỗ xuyên chì ≥ đường kính ngoài của kíp; Độ bền mối ghép miệng (chịu lực kéo tĩnh trong thời gian 01 min, dây dẫn không được tụt khỏi nút cao su hoặc xê dịch mắt thường nhìn thấy) đạt chỉ tiêu 2,0kg; Đường kính ngoài của kíp từ 7,0 đến 7,6 mm; Chiều dài kíp 89mm; Khả năng chống uốn của kíp 50N; Khả năng chịu nước, độ sâu 20,0 m (tương đương 2,0 atm) 8h; Khả năng kháng rơi của kíp 5m; Lập trình độ giữ chậm của kíp 1,0ms; Thời gian giữ chậm tối đa 10 hoặc theo đặt hàng s; Kíp nổ điện tử không phát nổ, không hư hỏng kết cấu khi thử trên máy thử chấn động chuyên dụng khả năng chịu chấn động.
Quy định về bao gói, ghi nhãn, kíp nổ điện tử được bao gói trong hộp giấy, túi PE và bảo quản trong hòm gỗ hoặc hộp cacton theo quy định tại QCVN 01:2019/BCT và các quy định của pháp luật hiện hành về bao gói vật liệu nổ công nghiệp. Phải thực hiện ghi nhãn kíp nổ điện tử theo quy định của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Quy định về quản lý, kíp nổ điện tử phải công bố hợp quy phù hợp quy định kỹ thuật tại Điều 5 của Quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Kíp nổ điện tử sản xuất trong nước, nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa theo quy định. Việc công bố hợp quy kíp nổ điện tử sản xuất trong nước, nhập khẩu phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương hoặc được thừa nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.
Chứng nhận hợp quy đối với kíp nổ điện tử sản xuất trong nước, nhập khẩu thực hiện theo phương thức 5 “Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường hoặc lô hàng nhập khẩu kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất" hoặc phương thức 7 “Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa” tại cơ sở sản xuất theo quy định.
Việc thử nghiệm phục vụ việc chứng nhận hợp quy phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BCT hoặc tổ chức được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN. Dấu hợp quy phải tuân thủ theo khoản 2 Điều 4 của quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.