Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về AI tại ĐH Bách khoa Hà Nội
01/04/2021
71 Lượt xem
Trước mắt, Trung tâm được đối tác NAVER - tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc - tài trợ, đặt hàng các đề tài nghiên cứu với khoản kinh phí khoảng 4-5 tỷ/năm.
Sáng 31/3, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (HUST-NAVER AI Center) đã làm lễ ra mắt tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT), ĐH Bách khoa Hà Nội, dưới sự chứng kiến của ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, và ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN. Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn NAVER - ông Choi InHyuk, tham dự sự kiện qua màn hình trực tuyến.
Trung tâm là kết quả hợp tác giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với NAVER - tập đoàn công nghệ được mệnh danh “Google của Hàn Quốc” - trong khuôn khổ dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu (Global AI R&D Belt).
Cắt băng khánh thành HUST-NAVER AI Center. Ảnh: NAVER
Giới thiệu về Trung tâm tại lễ ra mắt, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng SoICT, cho biết, Trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu ở Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và đào tạo trình độ cao trong lĩnh vực AI cũng như một “hub” kết nối các nhà khoa học để triển khai giải quyết các bài toán lớn, có tính liên ngành.
Hiện khoảng một nửa nhân lực của SoICT, tương đương hơn 50 người, làm việc toàn thời gian cho Trung tâm. Trung tâm do hai đồng giám đốc - một Việt Nam, một Hàn Quốc (cũng là Tổng giám đốc điều hành NAVER Việt Nam) - điều hành; và do GS Hồ Tú Bảo làm Giám đốc Khoa học. Tám nhóm nghiên cứu đã được Trung tâm đề xuất thành lập gồm: Tối ưu, Các hệ thống phân tán thông minh, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Thị giác máy tính, Mạng thông minh, Học máy, Tin Sinh học, Công nghệ phần mềm thông minh.
Ông Tạ Hải Tùng nhấn mạnh, Trung tâm có mô hình hoạt động gọn nhẹ theo hướng mở để bất kỳ thầy cô nào cũng có thể đến làm nghiên cứu.
Có kinh phí và có đầu bài
NAVER là tập đoàn công nghệ đa quốc gia sở hữu công cụ tìm kiếm với hơn 42 triệu người sử dụng, chiếm 75% thị phần Hàn Quốc.
Từ tháng 10/2019, NAVER chính thức tiến hành dự án Vành đai Nghiên cứu AI toàn cầu với các đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và Việt Nam, nhằm đối trọng với những chương trình AI của các “gã khổng lồ” như Google và Amazon của Mỹ hay Alibaba và Baidu của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, vào tháng 7 năm ngoái, NAVER chọn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên để hợp tác với lý do Trường đứng thứ 4 Đông Nam Á trong lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ trên bảng xếp hạng của Times Higher Education (sau ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Kỹ thuật Nanyang và ĐH Malaya).
Theo nội dung hợp tác, hai bên sẽ mở một trung tâm nghiên cứu và đào tạo AI trong khuôn viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, NAVER còn cam kết hợp tác phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hỗ trợ trao đổi nhà khoa học trong mạng lưới NAVER Labs và cấp học bổng cho sinh viên thực tập tại mạng lưới này.
Trả lời Khoa học và Phát triển, PGS.TS Tạ Hải Tùng cho hay, trước mắt, NAVER sẽ tài trợ, đặt hàng Trung tâm các đề tài nghiên cứu với khoản kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng/năm. Được biết, hiện ĐH Bách khoa Hà Nội đang tiến hành 17 đề tài/dự án nghiên cứu về AI với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng do Bộ GD&ĐT, NAFOSTED, VinBDI, USArmy, IBM và NAVER tài trợ.
“Hợp tác với NAVER, ngoài cái lợi là có kinh phí và có đầu bài, chúng tôi còn học hỏi được ở họ các kinh nghiệm triển khai nghiên cứu công nghệ để cạnh tranh toàn cầu,” PGS.TS Tạ Hải Tùng nói với Khoa học và Phát triển.
Phát biểu trực tuyến tại lễ ra mắt sáng 31/3, ông Choi InHyuk, Tổng Giám đốc điều hành NAVER, cũng khẳng định, Tập đoàn sẽ dành nhiều tâm huyết trong việc hợp tác với ĐH Bách khoa Hà Nội để phát triển Trung tâm thành nơi tạo ra các sản phẩm AI có khả năng cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, ông Choi InHyuk nói rằng, "Tập đoàn NAVER rất ấn tượng trước sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong những năm qua và thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng mở rộng đào tạo nhân tài cấp cao về trí tuệ nhân tạo."
Theo ông Tạ Hải Tùng, không dừng ở việc hợp tác thành lập trung tâm nghiên cứu AI ở ĐH Bách khoa Hà Nội, NAVER còn nuôi ý định thành lập một trung tâm R&D lớn ở Việt Nam, bởi vậy, HUST-NAVER AI Center cần hoạt động hiệu quả để mở đường cho các hợp tác xa hơn giữa Việt Nam với NAVER.