Robot bọ cánh cứng nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang mùa dịch
15/05/2020
174 Lượt xem
Nhóm bạn trẻ ở TP.HCM sau khi phát triển thêm các ứng dụng lên chú robot “Beetle Bot”, đã cho ra đời một thế hệ robot mới và đạt hạng nhất tại cuộc thi thi đua lập trình online “Hack Cô Vy” với giải thưởng 2.000 USD. Đây là sân chơi do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tổ chức.
Beetle Bot giúp phát hiện người không đeo khẩu trang, người không thực hiện giãn cách an toàn. Ảnh: NVCC.
Khác với nhiều “nhân viên máy” đang làm việc tại các khu cách ly vốn chỉ có thể điều khiển từ xa và thao tác hạn chế, Beetle Bot của nhóm có thể giám sát, tự động nhắc nhở người có đeo khẩu trang hay thực hiện đảm bảo giãn cách an toàn, có tụ tập đông người hay không.
Beetle Bot hay robot bọ cánh cứng là sản phẩm của tập thể Trần Duy Quang, Dương Duy Chiến, Nguyễn Bảo Ngọc, Nguyễn Lý Phước Trung, Trần Thị Xuân Kim, Phan Châu Tú, Huynh Nic Pho, Trần Huy, Phạm Văn Doanh, được phát triển thêm dựa trên sản phẩm robot đã hoàn thiện từ trước của một công ty công nghệ.
Thông minh và tự động hóa
Để tạo ra chú robot thông minh này, nhóm bạn cho trang bị hệ thống camera và cảm biến cùng một máy tính thu nhỏ bên trong robot để xử lý dữ liệu. Hình ảnh từ camera sẽ được máy tính đọc và phân tích, từ đó đưa ra nhận định về việc một người nào đó có đang đeo khẩu trang hay không, có thực hiện giãn cách xã hội hay không.
Camera ghi ảnh rồi đưa vào máy tính xử lý, tự động nhận biết người có đeo khẩu trang hay không.
“Ở Việt Nam đã có một số robot được đưa vào sử dụng ở các bệnh viện, khu cách ly, song chỉ dừng lại ở điều khiển từ xa, thực hiện công việc phun xịt khử khuẩn hoặc làm vệ sinh nhưng chưa được tự động hóa. Trong khi đó, ta hoàn toàn có thể tạo ra robot có nhiều ứng dụng, nhiều tính năng hơn,” Dương Duy Chiến, đại diện nhóm, chia sẻ về ý tưởng thực hiện.
Sau khi có cho mình nhận định về tình huống, robot sẽ phát ra lời nhắc qua hệ thống loa, màn hình cùng biểu cảm vui, buồn, giận dữ rất đa dạng. Người bị nhắc nhở cũng sẽ không cảm thấy khó chịu mà vui vẻ thực hiện ngay, tạo cảm giác thân thiện cho người dùng.
Robot được trang bị nhiều cảm biến để đo nhiệt độ, từ đó đưa ra nhận định một nhóm người có tập trung quá đông hay không.
Ngoài khả năng thông báo, robot còn giúp hỗ trợ tương tác từ xa qua màn hình. Tại phòng bệnh hay phòng cách ly, người dân có thể điền vào ô nhập liệu thông tin và khai báo sức khỏe mà không phải nhờ đến y bác sĩ. Đồng thời, khi bệnh nhân có nhu cầu có thể video call trao đổi ngay với y bác sĩ.
Trợ thủ đắc lực của y bác sĩ
Ban đầu, nhóm bạn trẻ dự định tạo ra một chú robot có thể điều khiển từ xa và thay thế nhân viên y tế làm một số công việc đơn giản, giảm nhẹ áp lực cho mọi người. Tuy nhiên tình hình dịch phức tạp khiến nhóm phải nâng cấp cho sản phẩm của mình có nhiều tính năng hơn.
Giao tiếp từ xa thông qua màn hình của robot, giúp bác sĩ và bệnh nhân trao đổi nhanh chóng với nhau mà không cần tiếp xúc gần.
Tại bệnh viện hay các khu cách ly, để đưa vào hoạt động một hệ thống điều khiển từ xa như vậy, cần nhiều thiết bị và chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng tốt, chẳng hạn như đường dây dẫn, lắp đặt camera, tính toán băng thông,... Còn đối với Beetle Bot vốn đã được tích hợp nhiều thứ trong một, sẽ đi vào hoạt động ngay khi đặt chân đến.
Ngoài nhiệm vụ cơ bản, robot có thể đi quanh bệnh viện, khu cách ly để đo đạc, thống kê, lưu thông tin và phân tích dữ liệu rồi cho ra kết quả tự động bằng trí tuệ nhân tạo, từ đó tính toán giúp nhân viên y tế các số liệu cần thiết. Những công việc thủ công cần sức người, nay có thể giao phó cho robot tự động hóa.
Sản phẩm thực tế của nhóm đang vận hành ở không gian thực.
Là một robot hoạt động ở bệnh viện và trong lĩnh vực sức khỏe, nhóm cho biết sắp tới sẽ cải tiến và thêm mới các tính năng khác như chẩn đoán bệnh dựa trên dữ liệu được học trước, gắn cánh tay máy để hỗ trợ một số thao tác giúp bác sĩ hay gắn đèn tiệt trùng để giúp ích trong phòng phẫu thuật.
Beetle Bot được chế tạo phần cứng trong 8 tháng và mất 48 giờ để hoàn thiện hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đại diện nhóm chia sẻ đã có rất nhiều phiên bản lỗi phải bỏ đi, nhóm phải làm đi làm lại rất nhiều để có được sản phẩm hoàn thiện như bây giờ. Sắp tới, nhóm sẽ đại nâng cấp sản phẩm và ra mắt thị trường.
Cuộc thi “Hack Cô Vy” năm 2020 khép lại với 420 đơn đăng ký từ khắp thế giới cùng 65 sản phẩm dự thi. Nhóm tham gia thực hiện lập trình trong 48 giờ liên tục để hoàn thiện sản phẩm. Cuộc thi kết thúc với 8 đội giành giải thưởng mà sản phẩm “Beetle Bot” đã nhận giải cao nhất với giải thưởng 2.000 USD.